Nếu người Mỹ nghĩ nghỉ việc là một hành động đầy hợp lí để giúp bạn có cơ hội tiếp tục khám phá đam mê thật sự của bản thân, thì người Nhật lại cho rằng những người buông bỏ công việc của mình là những kẻ thiếu trách nhiệm, không trung thành và rất khó để tin tưởng. Ở Việt Nam, điều này không quá rõ ràng như vậy bởi một bộ phận sẽ nghĩ như người Mỹ và phần còn lại thì tán đồng với quan điểm giống với người Nhật.
Thế nhưng trong thời đại mà xu hướng dễ dàng được tạo ra, thì nghỉ việc lại đang bị xem là… xu hướng. Xuất hiện ngày càng nhiều bài viết cổ vũ nghỉ việc như tips tìm việc mới, truyền cảm hứng nhảy việc,… Trong một diễn biến khác, hành động này cũng bị xem là phong trào mang tính nông nổi.
Khoan, dừng khoảng chừng là 2s! Ai bảo nghỉ việc thì đều là nông nổi và chạy theo trào lưu? Không hề. Ngược lại, nếu nhận thấy công việc của mình chứa đựng 12 dấu hiệu dưới đây thì bạn nên cân nhắc về quyết định nghỉ việc. Bởi lẽ nghỉ việc lúc này sẽ giúp bạn trở thành một nhân viên, một người lao động văn minh và biết nghĩ đến tương lai của chính mình.
1. Công việc quá nhàn hạ
Nếu bạn đang cảm thấy công việc trong khoảng vài tháng trở lại đây bắt đầu trở nên quá dễ, thiếu đi tính thử thách hay nếu không muốn nói là thấp hơn nhiều so với khả năng thì bạn đang bị công việc giới hạn lại tiềm năng của chính mình.
2. Không được theo đuổi đam mê
Đam mê, hứng thú sẽ cho bạn mục tiêu đúng đắn để phấn đấu. Mọi thứ nhàm chán, sai lệch so với đam mê của bản thân vô hình trung khiến bạn đặt tâm sức cũng như thời gian vào công việc ít hơn và không đạt được hiệu quả như mong muốn.
3. Môi trường làm việc gì mà “toxic” thế?
Một nơi không lành mạnh, nhiều hiềm khích, không thúc đẩy sự phát triển chung, có vấn đề giữa mọi người với nhau là môi trường bạn nên tránh.
4. Không có cơ hội phát triển
Cơ hội ở đây không nhất thiết phải “đao to búa lớn” mà đơn giản là bạn được làm việc cho một dự án mới, được đầu tư phát triển kỹ năng. Nếu không được trao những điều này, đừng ngại yêu cầu để nhận được nó. Trong trường hợp không thành công, đây chính là thời điểm bạn và công việc này nên “đường ai nấy bước”.
5. Tương lai của công ty là một câu hỏi lớn
Hãy tìm hiểu về tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của công ty cũng như báo cáo tài chính một cách rõ ràng để đo đạc khả năng phát triển và tương lai của công ty. Bạn hoàn toàn có quyền làm việc ở một công ty có khả năng phát triển thay vì một công ty đang gặp nguy hiểm.
6. Đạo đức nghề nghiệp bị xâm phạm
Một môi trường làm việc chuyên nghiệp và phù hợp với sự phát triển của nhân viên sẽ không chấp nhận việc đi ngược lại với đạo đức ngành nghề. Hãy hiểu đúng sai và dừng lại đúng lúc. Giá trị của bạn quý giá hơn rất nhiều so với đồng lương hàng tháng!
7. Thu nhập không xứng với năng lực
Một vài trường hợp chấp nhận lương thấp để đổi lại cơ hội phát triển cao nhưng số khác thì chẳng có gì. Đó là lúc nên thử yêu cầu để nhận được câu trả lời. Đừng tự hạ thấp năng lực bản thân!
8. Bạn không đủ khả năng hoàn thành công việc
Một vài trường hợp bạn gặp vấn đề sức khỏe dài hạn hay có quá nhiều thứ nên không thể xoay sở nổi, hãy cân nhắc đến việc dừng lại vì sự phát triển của cả bạn lẫn công ty.
9. Có cơ hội bền vững hơn ở những đơn vị khác
Tất nhiên bạn chẳng sai nếu cơ hội đó thật sự có giá trị với bạn và đặc biệt là phù hợp hơn với bạn. Công ty cũ vẫn rất tốt trong trường hợp này thì hãy nghỉ việc một cách văn minh và tử tế nhé!
10. Sức khoẻ tinh thần bị ảnh hưởng
Nếu từ khi bắt đầu công việc, bạn thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi, không còn nhiều động lực để bắt đầu những điều bản thân yêu thích, thậm chí sợ phải đi làm thì hãy dừng lại bạn nhé!
11. Không nhìn thấy tương lai của bản thân
Tương tự như việc bạn dừng lại khi không thấy tương lai của công ty khả quan, thì việc bạn chưa thể hình dung rõ ràng về sự phát triển của chính mình cũng là một lí do nghỉ việc bạn nên cân nhắc.
12. Không muốn bạn bè, người thân đến làm cùng
Nếu công ty tốt, bạn sẽ thật sự mong muốn cơ hội này thuộc về những người thân thiết của mình nữa. Thế nhưng khi bạn luôn khuyên họ đừng làm ở đây và có thể kể được rất nhiều lí do thì hãy nghĩ lại về trường hợp của bản thân.
Tạm kết
Nghỉ việc chưa bao giờ dễ dàng như một số người vẫn nghĩ hay xem nó là trào lưu để mọi người làm theo. Nghỉ việc là một quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bản thân và cả công ty. Thế nên, hãy cân nhắc và tôn trọng những gì bản thân xứng đáng có được. Ý tôi ở đây không chỉ là một khoản lương cao mà còn là cơ hội phát triển, môi trường, và cả khả năng của bản thân,…
Cũng đừng quên hãy nghỉ việc như một người văn minh nhé! Dù là công việc hay bất cứ mối quan hệ nào, chia tay rồi thì không nói xấu và hãy đưa ra lý do thuyết phục để cuộc tình không kết thúc trong lặng im.