Cả bạn và đồng nghiệp của bạn, cô H, đều xuất sắc trong các nhiệm vụ được giao, chia sẻ những trách nhiệm tương tự và dường như ngang ngửa nhau trên “các đường đua”.
Ngoại trừ chuyện cô ấy vừa được thăng chức trong khi bạn lại bị bỏ qua. Khi bạn hỏi sếp của mình về điều đó, bạn được khích lệ một cách lịch sự rằng “hãy tiếp tục làm những gì bạn đang làm”. Nhưng thực sự bạn muốn làm những gì cô ấy làm. Vậy cô ấy đang làm gì?
Không ít lần các sếp ngập ngừng và không nói ra những gì đang thực sự ngăn bạn lại, không cho bạn thăng tiến. Tại sao? Vì thực chất thì bạn không có gì “sai” cả. Nhưng không có gì sai không có nghĩa là bạn làm đúng mọi thứ. Đây là lúc nên nhìn kỹ vào cách thể hiện của bạn ở chỗ làm – nghĩa là cách bạn thể hiện bản thân và cách người khác nhìn bạn với tư cách một đồng nghiệp hoặc một nhân viên. Có thể chính bạn đang vô tình tự ngăn mình lại.
Hãy xem xét những tính cách có lẽ đang tạo ra ấn tượng sai lệch khiến bạn chưa thể tiến xa trong sự nghiệp, sử dụng những gợi ý dưới đây để bảo đảm cơ hội thăng tiến trong tương lai.
1. Tạo dựng quan hệ tốt với đồng nghiệp
Tránh rắc rối và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao chưa đủ để giúp bạn thăng tiến. Ngược lại, đóng vai “kẻ hề chốn công sở” hoặc tỏ ra quá thoải mái có thể làm bạn trông như “không xứng đáng” để được thăng tiến. Tạo quan hệ tốt với người khác bằng cách thân thiện và tôn trọng đồng nghiệp, cả cấp trên và cấp dưới. Duy trì thái độ tích cực trong các tình huống căng thẳng, cố gắng giữ cho mọi thứ nhẹ nhàng. Hạn chế nhận xét tiêu cực và thói “nhiều chuyện” nơi công sở. Một thái độ tích cực, lạc quan làm cho bạn có nhiều khả năng được thăng tiến. Cấp trên và đồng nghiệp sẽ nhận thấy sự tích cực của bạn và muốn làm việc cùng bạn.
2. Thoát khỏi hình ảnh xưa cũ của chính mình
Có thể sếp vẫn còn xem bạn như một nhân viên non nớt của cái thời bạn còn là một trợ lý. Hoặc có thể sếp không biết là bạn vừa nhận một bằng cấp mới. Hoặc cũng có lẽ đồng nghiệp vẫn còn đánh đồng bạn với một sai lầm nào đó trong quá khứ. Đây là thời điểm để đưa hình ảnh mới của bạn ra phía trước và ngay trung tâm. Đừng ngần ngại, hãy nói chuyện với những người không nhận ra sự tiến bộ của bạn. Cho họ thấy ví dụ vững chắc về những gì bạn đã đạt được hoặc bạn đã tiến bộ ra sao. Nên nhớ, hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn, giúp họ có cái nhìn khác về bạn.
3. Trở thành người đầu tiên mà sếp nghĩ đến
Mặc dù không ai có thể chê trách công việc của bạn, nhưng có lẽ bạn không thể hiện mình là một người háo hức vượt lên trên và muốn vươn khỏi phạm vi được yêu cầu. Nhận thêm nhiệm vụ mới, tình nguyện tham gia một dự án mới. Nếu bạn xây dựng được danh tiếng về sự đáng tin cậy và chất lượng công việc, cấp trên của bạn sẽ thấy rằng bạn đã sẵn sàng tiến xa.
4. Phân tích vẻ bề ngoài của bạn
Bạn không thể cứ quen với cách ăn mặc thoải mái như khi mới vào nghề mà cần tạo phong cách ăn mặc phù hợp trong môi trường công sở – phục trang để thành công. Nếu công việc liên quan đến việc tiếp xúc với khách hàng, hãy bảo đảm là cách ăn mặc của bạn phù hợp với họ. Nếu khách hàng mặc com-lê thì bạn cũng cần mặc com-lê khi có sự hiện diện của họ. Chú ý đến vấn đề vệ sinh và sự đứng đắn, lịch thiệp. Trang phục không được ủi thẳng hoặc không “đóng thùng” gửi đi một thông điệp rằng bạn cũng “thờ ơ như thế” trong công việc.
5. Dành thêm ít thời gian
Nếu bạn làm việc hiệu quả, bạn có thể hoàn tất mọi việc trước giờ nghỉ. Nghe có vẻ khác thường trong thế giới 24/7 ngày nay, nhưng, các sếp vẫn sẽ để ý khi nhân viên cứ nhìn đồng hồ và lao thẳng ra cửa khi đồng hồ điểm 5 giờ chiều. Bất cứ khi nào có thể, hãy đến sớm và ở lại khi cần thiết để hoàn tất công việc cho kịp thời hạn hoặc hoàn thiện các dự án. Hãy làm cho ngày làm việc của bạn đạt hiệu quả cao. Nếu bạn cần đón con hoặc tham dự một khóa học vào ban đêm, hãy cho sếp biết trước.
6. Đưa ra yêu cầu
Nếu bạn tin rằng bạn xứng đáng với sự thăng tiến, hãy cho sếp biết rằng bạn đã sẵn sàng cho thử thách tiếp theo. Thể hiện sự khiêm tốn là một điều tốt, nhưng cần biết khi nào nên chỉ ra những thành tựu của bạn. Đừng bao giờ cho rằng kết quả công việc sẽ tự nói lên điều đó. Miêu tả những đóng góp của bạn cho bộ phận và cho kết quả kinh doanh chung. Hãy chia sẻ rằng kinh nghiệm và thành tích của bạn đã đặt bạn vào vị trí sẵn sàng cho lần thăng tiến kế tiếp. Nhớ bao gồm cả mong đợi về việc tăng lương thưởng nhưng cần tìm hiểu mức lương trung bình trong ngành ở vị trí mong muốn này để đừng “yêu cầu quá lố”.
7. Nhắm đến một giám sát mới
Nếu rõ ràng là sếp không coi trọng bạn hoặc không sẵn lòng ủng hộ sự thăng tiến của bạn, đó là lúc bạn nên nhắm đến một nơi khác. Có lẽ bạn nên cân nhắc chuyển đến một bộ phận khác trong công ty. Còn nếu bạn quyết định theo đuổi một sự thăng tiến mới bên ngoài công ty hiện tại, bạn cần tìm một giám sát có thể đưa ra lời giới thiệu tích cực cho bạn nếu người sếp hiện tại không sẵn lòng làm chuyện này.