Cũng từng là một người đi xin việc trong một thời gian dài, từng bị từ chối, từng cảm thấy mình trả lời phỏng vấn không thành công, bây giờ trở thành một nhà tuyển dụng, cựu sinh viên ĐH Ngoại Thương đã thu được nhiều bài học cũng như kinh nghiệm cho bản thân. Vì thế, dựa vào những trải nghiệm của bản thân, người này đã đưa ra 7 điều cần thiết cho bất cứ ai đang muốn tập trung vào sự nghiệp.
1. MỚI ĐI LÀM THÌ NÊN ƯU TIÊN APPLY VÀO CÔNG TY LỚN HAY CÔNG TY NHỎ?
Nói đến lớn hay nhỏ khá khó, nhưng ở đây chúng ta sẽ nói ở mức độ tương đối.
- Các công ty lớn nó có QUY TRÌNH làm việc rất rõ ràng, nên người làm chỉ cần follow quy trình đó là ok. Chính vì vậy, người chưa có kinh nghiệm hoặc sinh viên mới ra trường sẽ được đào tạo làm việc bài bản, có người hướng dẫn.
- Các công ty nhỏ thường không có quy trình, đa phần làm việc vẫn theo kiểu tự phát, mỗi người phụ trách một lĩnh vực, vậy nên thường họ rất ngại nhận những người mới ra trường (trừ vị trí sales). Căn bản là họ không có thời gian, và ở các công ty nhỏ thường 1 người sẽ phải phụ trách một mảng nên thường họ sẽ cần người làm có kinh nghiệm cho chắc chắn.
Vậy nên, nếu mới ra trường đi làm mà chưa có kinh nghiệm thì nhiều khi apply vào các công ty lớn xác suất đỗ sẽ cao hơn là các công ty nhỏ.
2. NÊN ĐI THI, ĐI PHỎNG VẤN CÀNG NHIỀU NƠI CÀNG TỐT
Mình thấy trên group hay bóc phốt rất nhiều các công ty lừa đảo hay có những topic hỏi kiểu như có ai biết thông tin công ty này có uy tín không.
Thật ra cũng đúng vì làm vậy để mọi người biết mà tránh. Nhưng suy nghĩ của mình thì hơi khác, đi phỏng vấn nhiều giúp chúng ta trau dồi kỹ năng.
Ví dụ ngày xưa mình đi xin việc trong lĩnh vực XNK, đi phỏng vấn có người hỏi mình về cách tính thuế một số mặt hàng nhập khẩu, hay khai hải quan luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng... Mà nói thật hồi đó mình chưa đi làm bao giờ nên nghe chả hiểu gì. NHƯNG nhờ có hôm đi phỏng vấn đó mình đã về tìm hiểu về cách tính thuế nhập khẩu, hay cách khai báo hải quan... Và cũng rất nhiều lần phỏng vấn khác, mặc dù trượt nhưng mỗi lần trượt mình lại biết thêm một vài điều, và hiểu ra một vài thứ. Cho đến một lúc gần như mình tự tin là có đi thi hay phỏng vấn, đa số các nơi mình đều thi đỗ.
Nên mình nghĩ là đừng đắn đo quá nhiều, bạn càng chưa có nhiều kinh nghiệm thì bạn càng nên đi phỏng vấn, đi thi thật nhiều vào. Còn tất nhiên nếu đỗ rồi thì quyết định làm hay không là việc khác... Kể cả mấy công ty bạn biết hoặc ai đó nói với bạn là lừa đảo (có hiện tượng chuyên bùng lương nhân viên hay đối xử tệ bạc), bạn cũng cứ đi thi thôi, mình đảm bảo là càng những công ty như thế bạn đến tận nơi, bạn đi phỏng vấn - bạn sẽ hiểu ra nhiều thứ, vì có những thứ bạn nên nhìn tận mắt, cảm nhận trực tiếp sẽ rõ hơn. Còn tất nhiên họ gọi đi làm thì mình từ chối.
Hãy cứ đi thi, apply thật nhiều đi, đi càng nhiều bạn sẽ càng khôn ra.
3. NÊN LÀM VIỆC Ở MỘT NƠI TRONG BAO LÂU?
Đã qua rồi cái thời kỳ của bố mẹ chúng ta, khi ai làm công việc gì ở đâu thì sẽ làm việc đó đến cuối đờ. Ngày xưa đi làm, có nhiều công ty mình chỉ làm có vài tháng là nghỉ. Có mấy người bảo mình "Sao mới làm ở đó chưa lâu mà mày đã nghỉ? Ít nhất phải làm 1 năm chứ?"
Mình không trả lời, vì mình không thích tranh luận với những người không hiểu. Nhưng bất kỳ khi làm ở đâu cũng thế, cái quan trọng không phải là thời gian mà là "giá trị".
- Bạn làm ở một nơi lương thấp nhưng có cơ hội học hỏi được nhiều điều.
- Bạn làm ở nơi cực kỳ áp lực, nhưng bản thân bạn nhờ môi trường đó mà tiến bộ được.
- Bạn làm ở nơi có sếp quá khó tính, ban đầu bạn thấy sợ, nhưng sau bạn hiểu rằng nhờ có người sếp như thế mà bản thân mình hoàn thiện.
- Bạn làm việc ở vị trí thấp, nhưng bạn cảm thấy trong tương lai bạn có cơ hội thăng tiến.
Tất cả những điều đó gọi là GIÁ TRỊ. Nếu nơi đó có giá trị với bạn thì bạn hãy ở lại.
Khi nào nơi đó không còn giá trị với bạn thì bạn nên đi.
Cũng là một nhà tuyển dụng NHƯNG mình là người tư tưởng cực kỳ thoáng, kể cả ngày xưa tuyển dụng nhân viên cho công ty cũng thế thôi, mình cũng nói luôn là nếu em tìm được cơ hội tốt hơn em đi cũng được, đó là điều bình thường. Chỉ cần lúc em còn làm ở đây, em phải hoàn thành công việc và có trách nhiệm đầy đủ. Mình thừa hiểu rằng thời thế bây giờ đã khác, chẳng có ai gắn bó với một công việc nào trọn đời cả.
Và bạn cũng đừng trách hoặc cũng đừng thắc mắc khi thấy ai đó nhảy việc. Vì nó là XU HƯỚNG CỦA XÃ HỘI. Những người biết suy nghĩ đa phần họ đều làm thế, trừ khi công việc họ đang làm nó QUÁ TỐT, VÀ QUÁ KHÓ ĐỂ TÌM ĐƯỢC CÁI TỐT HƠN.
NÊN HÃY NHỚ, VẤN ĐỀ KHÔNG PHẢI LÀ THỜI GIAN MÀ LÀ "GIÁ TRỊ".
4. GIÁ TRỊ LỚN NHẤT ĐÓ CHÍNH LÀ KINH NGHIỆM, KIẾN THỨC, KỸ NĂNG MÀ BẠN THU ĐƯỢC
Đa phần bạn chỉ học hỏi được rất nhiều thứ trong thời gian đầu mà thôi, vậy nên những người làm 4-5 năm kinh nghiệm NHƯNG CHỈ CÓ KINH NGHIỆM LÀM MỘT CHỖ DUY NHẤT Ở MỘT NƠI thật ra là CHẢ CÓ MẤY KINH NGHIỆM, thật sự là thế. Và vấn đề nó sẽ là thế này:
- Khi bạn làm quá lâu ở một nơi bạn sẽ RẤT NGẠI ĐỂ CHUYỂN VIỆC.
- Sẽ luôn có những người trẻ tuổi hơn, khả năng làm việc TƯƠNG ĐƯƠNG với bạn và ĐÒI HỎI MỨC LƯƠNG THẤP HƠN.
Trừ khi bạn làm nhà nước, chứ bạn làm tư nhân mà gắn bó quá lâu ở một nơi đến mức con người trở nên ì ạch thì nó sẽ giết chết tương lai của bạn. Nếu có thể thì lúc còn trẻ hãy cố gắng nhảy càng nhiều nơi càng tốt, làm càng nhiều việc khác nhau càng tốt.
5. NẾU CÓ THỂ THÌ ĐỪNG ĐỂ CÔNG TY CŨ GHÉT
Tất nhiên việc này khá khó, vì nói thật là đa số những người khi nghỉ việc rồi thì công ty cũ và nhân viên cũ thường không ưa gì nhau cả. Với các công ty nhỏ thì không sao. Nhưng với các tập đoàn lớn cùng ngành nghề, các phòng HR của họ đều liên kết với nhau. Lấy ví dụ như trong lĩnh vực ngân hàng, bạn làm ở một ngân hàng nào đó không hoàn thành doanh số, áp lực quá nên chán nghỉ. Và giờ bạn apply sang một ngân hàng khác thì chắc chắn phòng nhân sự của ngân hàng này sẽ đối chiếu với phòng nhân sự của ngân hàng cũ bạn đã từng làm. Thực tế, rất khó để bạn được nhận...
Vậy nên nếu ra đi, hãy cố gắng làm đẹp lòng công ty cũ, mặc dù có thể bạn không ưa gì họ. TRONG ĐẦU BẠN NGHĨ GÌ KHÔNG QUAN TRỌNG, NHƯNG BẠN LÀM GÌ SẼ NÓI LÊN BẠN LÀ AI.
6. NẾU BỊ NỢ LƯƠNG MẠNH DẠN NGHỈ SỚM
Khi làm việc tại các công ty Việt Nam, thỉnh thoảng vào giai đoạn kinh tế khó khăn thì rất nhiều doanh nghiệp nhỏ họ nợ lương nhân viên. Rất nhiều người hay chọn phương án là chờ đợi. Vì sao? Vì dẫu sao làm một thời gian cũng có tình nghĩa với họ. Nhưng có một sự thật mình thấy sau bao năm đi làm là các công ty Việt Nam khó khăn nợ lương hầu như sau này rất ít khi vực dậy lại được, nếu có cũng mất thời gian rất lâu.
Mà thật ra chúng ta đi làm, chúng ta cũng cần tiền lương để trang trải cuộc sống chứ... Vậy nên lời khuyên của mình là nếu nợ lương đến tháng thứ 2 thì hãy mạnh dạn xin nghỉ để tìm con đường khác cho chính mình. Ở lại càng lâu bạn sẽ càng bị nợ nhiều và khó có tương lai. Và khi bạn nghỉ thì cũng nên xác định tư tưởng từ trước là hầu như bạn không thể đòi được số tiền lương mà công ty nợ bạn đâu. Rất ít trường hợp đòi được. Nếu bạn thấy công ty không ổn, nên nghỉ sớm nhất có thể.
7. ĐÀO RỘNG NHIỀU LĨNH VỰC HAY ĐÀO CHUYÊN SÂU MỘT LĨNH VỰC?
Câu hỏi rất khó, nhưng theo mình thì :
- Nếu bạn biết rõ đam mê của mình thì bạn nên tập trung đào sâu vào lĩnh vực mà bạn yêu thích
- Còn nếu bạn CHƯA BIẾT MÌNH THÍCH GÌ, CHƯA TÌM ĐƯỢC ĐAM MÊ CỦA MÌNH thì bạn nên cố gắng tìm hiểu và làm càng nhiều lĩnh vực càng tốt, chỉ có như vậy bạn mới tìm ra.
CÂU TRẢ LỜI SẼ PHỤ THUỘC VÀO MỤC ĐÍCH CỦA MỖI NGƯỜI.
VÀ CŨNG CÒN TÙY VÀO VỊ TRÍ BẠN LÀM VIỆC.
- Ví dụ bạn là nhân viên nghiệp vụ thì bạn chỉ cần đào sâu lĩnh vực nghiệm vụ bạn đang làm là ok.
- Nhưng nếu bạn làm quản lý thì bạn lại cần kiến thức rộng như kế toán, nhân sự, marketing... vì bạn phải biết một chút thì mới hiểu được nhân viên họ làm đúng hay làm sai, và mới có thể tuyển được người.