Chuyện xưa kể rằng một tay trọc phú rất mê đồ trang sức quý, cố gắng sở hữu nhiều món trang sức đắt giá.
Một ngày nọ, có người bạn đến chơi và tỏ ý muốn xem bộ sưu tập của anh ta. Trước khi bộ sưu tập được mang ra, gia nhân được bố trí canh gác cửa nẻo rất cẩn thận. Thế rồi hai người cùng xem từng món đồ quý. Đúng như lời đồn đại, đó là một kho báu vô cùng độc đáo. Tay trọc phú còn vui vẻ kể về tình huống mà anh ta đã kiếm được viên ngọc này, dây chuyền kia ra sao. Những chuyện kể đó cũng hấp dẫn không kém những viên ngọc tỏa ánh lấp lánh. Xem đã mắt, người khách xin phép ra về. Trước lúc chào từ biệt, khách trân trọng nói: “Cảm ơn ông chia sẻ với tôi những viên đá vô cùng quý giá ấy!”.
– Tôi không cho anh những viên đá ấy đâu – tay trọc phú trả lời – Chúng là vật sở hữu của riêng tôi mà thôi.
Vị khách trả lời:
– Tất nhiên rồi, ông ạ! Trong lúc chúng ta cùng thưởng thức vẻ đẹp của chúng thì sự khác biệt giữa ông và tôi là rất rõ ràng. Khác biệt rõ nhất là suốt hơn một giờ qua, ông luôn luôn có thái độ lo sợ, còn tôi thì thực sự bị thu hút bởi vẻ đẹp và sự quý giá của chúng. Tôi rất hài lòng vì đã được thưởng thức chúng.
Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng những người đọc có nhiều cảm nhận khác nhau. Các nhà vật lý so sánh những định luật cơ bản như những viên ngọc quý giá trong câu chuyện trên. Có điều, khi các định luật vật lý được chia sẻ với mọi người, nhà vật lý không sợ mất đi những viên ngọc ấy, mà còn cảm thấy thú vị nếu viên ngọc nào đó được người mới biết tới tận dụng, khai thác, làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Tương tự như vậy đối với những định lý do các nhà toán học giảng giải, những vần thơ do các thi sĩ sáng tác, những tác phẩm tuyệt vời do các họa sĩ, nhạc sĩ tạo ra.
Trong môi trường doanh nghiệp, câu chuyện trên cũng có một ý nghĩa rất đáng chú ý. Xin nêu một ví dụ. Một nhân viên đã lão luyện trong một lĩnh vực chuyên môn mấy mươi năm, đến lúc chuẩn bị về hưu thì được phân công hướng dẫn một sinh viên thực tập.
Trong quá trình hướng dẫn cậu sinh viên, khi nêu các việc cần làm và cách làm, bao giờ ông cũng chỉ ra một công cụ do ông sưu tầm hoặc tự làm với mục đích thực hiện công việc thuận lợi và nhanh chóng. Ông luôn tận tình giúp cậu sinh viên thực tập nhanh chóng làm chủ được những công cụ ấy.
“Bộ sưu tập” của người chuyên viên sắp về hưu nọ rất quý giá nhưng ông sẵn sàng chia sẻ với một người trẻ chưa có kinh nghiệm mà không sợ cậu ta sẽ chiếm mất. Ngược lại, người chuyên viên còn tỏ ra hạnh phúc khi cậu sinh viên nắm chắc được từng “bảo bối”. Ông ta hiểu rằng khi đã nghỉ hưu thì có người khác tiếp nối công việc mình đã làm một cách trôi chảy… Trên internet cũng có rất nhiều nguồn chia sẻ kho tài nguyên như vậy. Giá trị được chia sẻ thường không hề nhỏ, nhiều trường hợp là cả một gia tài quý báu đối với người nhận.
Do những kiến thức và kinh nghiệm mà chúng ta tích lũy được rất đa dạng nên trong một doanh nghiệp, mức độ phong phú về năng lực tay nghề của đội ngũ nhân viên thể hiện ở thang giá trị mà từng cá nhân có được. Mỗi người có những bộ sưu tập riêng, dù giá trị thật của các bộ sưu tập ấy có thể rất khác nhau. Nếu các nhân viên biết chia sẻ những thứ mà họ cho là quý từ bộ sưu tập của họ, hẳn là doanh nghiệp sẽ thu được rất nhiều lợi ích.
Do đó, điều quan trọng là các nhà quản trị biết đánh giá tương đối chính xác giá trị của từng bộ sưu tập và khuyến khích, tạo điều kiện cho chủ nhân của chúng chia sẻ với đồng nghiệp. Đó là nghệ thuật khơi gợi và huy động nguồn tri thức của đội ngũ nhân viên nhằm cải tiến hoạt động của doanh nghiệp. Đó cũng là cách nâng các nhân viên lên đúng tầm giá trị của họ và còn là cách hiệu quả để xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp trên một trụ cột quan trọng: sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho nhau.