"Nên ưu tiên công việc gấp nhưng không quan trọng trước hay công việc không gấp nhưng quan trọng trước?".
Vòng phỏng vấn thường sẽ là khâu cam go nhất trong quy trình tuyển dụng. Đây là khi công ty sẽ dựa vào các yếu tố để đưa ra quyết định cuối cùng xem ai được vào làm, ai bị loại. Để làm được điều này, chỉ hỏi mấy câu xoay quanh ứng viên thôi là chưa đủ. Họ còn cần hỏi những câu tinh tế để làm ứng viên bộc lộ hết con người mình.
Những câu hỏi này vừa có thể nghe rất hóc búa, vừa có thể nghe đơn giản nhưng để giải quyết thì không hề giản đơn. Ở một tập đoàn lớn về lĩnh vực truyền thông nọ, trưởng phòng nhân sự trong vòng cuối đã quyết định hỏi các ứng viên một câu hỏi mang tính chọn lựa: "Nên ưu tiên công việc gấp nhưng không quan trọng hay công việc không gấp nhưng quan trọng trước?".
"Nên ưu tiên công việc gấp nhưng không quan trọng hay công việc không gấp nhưng quan trọng trước?".
Người A nghe câu hỏi này thật lạ lẫm và khó hiểu. Anh ta nghĩ làm sao lại có những công việc gấp mà không quan trọng? Đã gấp thì cũng phải quan trọng chứ? Rồi anh ta mới lí nhí trả lời nhà tuyển dụng: "Em nghĩ đây là câu hỏi sẽ không có câu trả lời đúng nhất! Cá nhân em sẽ lựa chọn ưu tiên công việc gấp và quan trọng nhất để chứng minh mình thực sự là người có trách nhiệm và mẫn cán!".
Người B nghe xong câu hỏi thì trả lời luôn "Cứ việc gì gấp em làm trước! Em là người tôn trọng deadline. Các sếp chỉ đâu em nghe đó, em không có điều gì phải nghĩ ngợi lăn tăn cả!".
Sau câu trả lời của hai người này, trưởng phòng nhân sự chỉ cười nhếch mép nhẹ, mặt ông ta vẫn không biến sắc. Dường như A và B cũng biết rằng mình vừa hơi lố và trả lời chưa đúng ý của nhà tuyển dụng.
Người cuối cùng trả lời câu hỏi trên là C. Anh này trầm ngâm một lúc rồi trả lời dõng dạc "Em sẽ lựa chọn công việc quan trọng nhưng không gấp để làm trước ạ!".
Nhà tuyển dụng lúc này mới lên tiếng "Vì sao em trả lời trái ngược lại hai bạn ứng viên này? Khi mà cả hai bạn đều rất coi trọng deadline còn em thì không sao?".
Biết là nhà tuyển dụng đang hỏi vặn, C mới giải thích tiếp:
"Em sẽ lấy một ví dụ cụ thể ạ, là tập thể dục. Đây là việc quan trọng, nhưng không hề gấp. Thế nhưng nhiều người đã bỏ qua nó và tập trung cho những nhiệm vụ của công việc. Và liệu khi ấy bạn chắc là sẽ hoàn thành tốt trong deadline được giao? Chi bằng hãy cứ làm hết những việc quan trọng nhưng không gấp trước. Rồi sau đó, chúng ta mới dồn toàn tâm trí lực vào những việc còn lại."
Và thế rồi, phía nhà tuyển dụng tuyên bố kết thúc buổi phỏng vấn. Sau đó 2 ngày, người C đã trúng tuyển, thậm chí được lên nhân viên chính thức luôn.
Các chị em công sở đã hiểu vì sao chưa nhỉ?
Trong sự nghiệp, bên cạnh việc nâng cao các kỹ năng và nghiệp vụ, một điều mà bất cứ ai cũng cần phải thành thạo đó chính là khả năng sắp xếp thời gian. Bởi khi biết sắp xếp thời gian, chúng ta mới có thể hoàn thành công việc một cách năng suất và có lợi nhất cho bản thân.
Có thể thấy, thường thì chúng ta sẽ ưu tiên công việc tại nhóm Q1 trước và nhóm Q4 sau cùng. Thế nhưng trên thực tế, các nhóm công việc chiếm đại đa số thời gian của những người thành công không phải là những việc vừa khẩn cấp vừa quan trọng mà là những mục tiêu, công việc quan trọng mà không khẩn cấp ngay lúc đó. Khi biết xử lý tốt nhóm công việc này trước khi nó trở nên khẩn cấp thì số lượng công việc phát sinh ở góc Q1 sẽ giảm đi nhiều.
Mặt khác, làm việc mà không bị giục deadline liên hồi chắc hẳn sẽ dễ thở hơn đúng không nào? Người ứng viên C ở trên hẳn đã rất hiểu mục đích đằng sau câu hỏi từ nhà tuyển dụng. Chẳng cần phải thể hiện gì cao siêu, cứ chứng minh cho HR thấy bạn là người khôn khéo sắp xếp công việc thì đã thực sự đáng để vào làm rồi đó.
Từ bài học này, chị em công sở hãy nhớ 3 bước để quản lý công việc hiệu quả. Trước hết, hãy liệt kê tất cả các công việc của cá nhân, của nhóm cần làm. Tiếp tới là phân vào 4 nhóm như ma trận trên. Và cuối cùng là sắp xếp mức độ ưu tiên sao cho hợp lý và tối ưu nhất!
Hãy để mỗi ngày đến công ty là một ngày làm việc hiệu quả các nàng nhé!