"Sếp Dí", "Khách Rượt" Giờ Nghỉ Trưa

Những trường hợp phải làm việc vào giờ nghỉ trưa đã quá quen thuộc với hội văn phòng. Thế nhưng không phải ai cũng nhiệt tình, hăng hái hi sinh 90 phút vàng của mình cho công việc ngoài thời gian làm. Ngược lại cũng có không ít "dân văn phòng nhà người ta" thấy chuyện nghỉ ngơi là phụ mà công việc mới là chính, họ nghiêm chỉnh ưu tiên "việc nước" dù bất kì lúc nào.

Làm việc trong giờ trưa khác nào tăng ca không lương?

Về chuyện phải ngồi cố chịu đựng làm cho xong công việc mặc dù đã đến giờ nghỉ trưa, chị Tường Vy, một nhân viên sản xuất hình ảnh thời trang cho biết: "Đã nhiều lần sát giờ trưa mình nhận các nhiệm vụ mà để hoàn thành nó phải qua rất nhiều công đoạn. Tình thế khá bị động vì không có nhiều thời gian chuẩn bị cho nhiều hạng mục nên buộc phải bỏ qua bữa trưa, tiếp tục làm cho đến khi việc đó hoàn thành, nếu không làm thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của cả nhóm. Mình rất không đồng tình với việc giờ nghỉ trưa bị lấy đi như vậy, công ty cũng chỉ trả lương cho 8 tiếng làm việc, nên càng không có lý do gì mình phải làm ngoài giờ".

Tuy nhiên, số khác như Anh Hoàng Phụng, kĩ sư phần mềm tại một công ty game ở Quận 7 nói rằng: "Gần đây mình từng được sếp giao thiết kế một dự án để sếp gửi cho cấp trên. Mình đã bàn giao đúng hẹn nhưng hôm đó vào giờ nghỉ trưa sếp yêu cầu thay đổi lại thiết kế gấp để kịp hẹn của sếp với cấp trên. Nhận thấy tình hình khá gấp nên mình bỏ bữa trưa vào bàn làm ngay. Đó là trách nhiệm của mình nên mình thấy hiển nhiên, chẳng khó chịu gì cả, miễn là sếp mình đi giới thiệu dự án được thuận lợi, thành công."

Phản ứng của dân văn phòng tích cực hay tiêu cực tùy vào tính chất công việc được giao, tính cách của mỗi người,... và cả vị trí công việc. Đối với một trợ lý giám đốc, các công việc hoàn toàn phụ thuộc vào sếp của mình: "Ở vị trí trợ lý riêng thì mình có thể hiểu là khi nào xong việc thì khi ấy được nghỉ ngơi, chứ không nhất thiết là nghỉ đúng giờ. Tuy nhiên nếu tình trạng giao việc lúc sắp tới giờ ăn trưa hoặc chưa đến giờ vào lại ca làm diễn ra quá thường xuyên thì khó thoải mái chấp nhận được." - Anh Hoàng Luân chia sẻ.

Các cách "xử lý khủng hoảng" giờ nghỉ trưa

Giờ nghỉ trưa trên lý thuyết hiển nhiên là giờ mọi người đều được tự lo giải lao thư giãn, nhưng thực tế khung giờ này không phải lúc nào, ở môi trường làm việc nào thì nhân viên cũng được toàn quyền quyết định. Chỉ 1 tiếng 30 phút dành cho cá nhân cũng phải nghĩ đối sách chống lại công việc cũng thật là khó nhằn.

Chị Bảo Châu, chuyên viên marketing nghĩ: "Bản thân mình cũng phải tập cách nói không khi nhận những yêu cầu làm việc vô lý. Nhiều khi bởi vì mình cứ "vâng lời" nhận việc trong ấm ức, nên họ nghĩ đó là chuyện bình thường khi giao việc vào giờ trưa. Gặp người quản lý hay khách hàng không quan tâm chỉ luôn nghĩ mình phải tự biết sắp xếp miễn việc hoàn thành đúng deadline thì mình càng phải có chính kiến. Mình đâu được nghỉ giữa giờ làm chiều để ăn uống, nằm ngủ ra đó..."

Anh Hoàng Long, nhân viên sáng tạo nội dung tại một công ty truyền thông thẳng thắn nói: " Những lúc có việc giờ nghỉ trưa mình sẽ chọn không làm, vì mình xem xét rằng: Nếu mình không làm các kênh truyền thông mình đảm nhận có bị đánh giá 1 sao không, các khách hàng có bị giảm 50% doanh số không, công ty có bị thua lỗ không,...tất nhiên là không, nên việc đó không gấp đến độ ngốn vào thời gian nghỉ của nhân viên, họ hoàn toàn có thể sắp xếp được".

"Cá nhân mình nghĩ nên cân nhắc giữa tình hình công việc thời điểm đó và tình trạng sức khỏe, nếu việc nào cần ưu tiên hơn thì mình sẽ thực hiện, không nên xét đến đó là giờ nghỉ trưa hay không" - Ý kiến khác của anh Hoàng Luân.

Dù bạn có thoải mái hay miễn cưỡng nhận việc, bí quyết để đối mặt với các công việc vào giờ nghỉ trưa vẫn là thành thật với điều mình cho là đúng. Vì đây là thời gian được thỏa thuận ngay từ ban đầu để cá nhân nghỉ ngơi, nếu bạn không muốn làm, hãy khéo léo từ chối. Trường hợp bạn hiểu được tình thế gấp rút và sếp hay khách hàng cũng khó xử khi đưa ra yêu cầu này, nên thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ họ.

 

Cố "tham" thêm 1 tiếng 30 phút nhưng "thâm" đến chẳng ngờ

Chị Trà Mây - nhân viên của một công ty dịch vụ ở Phú Quốc: "Mình đã từng bỏ bữa để làm việc bất chợt. Tuy nhiên nếu liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và khiến nhân viên nghỉ trưa với tâm trạng bất an. Tốt hơn phải sắp xếp lịch làm và số lượng nhân sự phù hợp để có thể quản lí tốt công việc mà không ảnh hưởng giờ nghỉ trưa. Giờ nghỉ trưa rất quan trọng để khôi phục tinh thần trí lực, khởi động lại năng lượng giữa ngày, mình không đồng tình nếu nhân viên bị lấy đi thường xuyên thời gian nghỉ ngơi này."

Những công việc giao sát giờ trưa hoặc yêu cầu khá gấp gáp không chỉ khiến mọi người bị quá tải mà chất lượng của công việc đó cũng bị ảnh hưởng" - Chị Tường Vy.

Chị Bảo Châu: "Mình đã từng quá áp lực phải nghỉ việc mình đã từng yêu thích. Một trong những lý do lớn nhất bởi vì sếp cũ có xu hướng coi việc tăng ca và làm trong giờ nghỉ trưa là chuyện bình thường. Rất nhiều lần mình chuẩn bị ngả lưng nghỉ một lát thì bị bắt buộc phải dậy để nhận việc này việc kia khiến mình rất bực mình. Các công việc được giao không hề gấp và quá quan trọng để ảnh hưởng đến công ty nếu không làm ngay lập tức."

Chuyện làm việc vào giờ trưa không đơn thuần là chiếm lĩnh thời gian của nhân viên nữa, điều này đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của dân văn phòng về thể chất lẫn tinh thần. Tiếp theo là khi họ phải hoàn thành trong lúc gấp gáp/tinh thần miễn cưỡng thì chất lượng công việc không thể nào đạt hiệu quả cao. Cuối cùng, bạn có thể mất đi một công việc nếu cố làm quá sức đến căng thẳng hoặc mất đi một nguồn nhân lực nếu cứ giao việc cho họ vào giờ nghỉ trưa quá nhiều.

Source: CefeF
  1. Share to friends  

Other news

  1. 6 Steps To Customizing Your Resume To The Job
  2. 9 Things To Never Say In A Salary Negotiation
  3. You Don’t Like Your New Boss. What Should You Do?
  4. 14 Creative Ways Job Seekers Can Stand Out To Employers
  5. The 5 Things You Need To Stop Doing To Instantly Boost Your Career
  6. 5 Best Businesses To Launch Right Now
  7. Do You Feel Unfulfilled in Your Work Life? Here's How to Change That
  8. How To Determine If An MBA Is The Best Option For Your Career
  9. 3 Emerging Careers In The Field Of Healthcare And Medicine
  10. 11 Personality Traits You Probably Didn't Know Are Hurting Your Business

Find your dream jobs