5 Bài Học Từ Loài Bướm Dạy Con Người: Phải Nỗ Lực, Nỗ Lực Đến Cùng Kiệt Mới Có Thể Gặt Được Thành Công

Tuy loài người là động vật bậc cao nhất trên trái đất, nhưng không vì lẽ đó mà chúng ta lại lơ đi những bài học đáng trân trọng từ những loài bậc thấp khác, đặc biệt là những loài nhỏ bé như loài Bướm nhưng lại có sức mạnh kiên cường, và những đức tính đáng nể phục.

 

Có lẽ những bài học về đoàn kết, kiên trì, chăm chỉ của loài kiến quá phổ biến nên chắc sẽ có ít người để ý được cũng có một loài nhỏ bé, thân thuộc khác rất đáng để chúng ta học hỏi – loài Bướm. Nên gọi là sâu bướm thì chính xác hơn, như thế mới thể hiện được phần nào cái kỳ tích mà những chú sâu xấu xí đã tạo ra: trở thành những cánh bướm rực rỡ sắc màu tuyệt đẹp.

Bài học 1 – Nếu không hoàn tất quá trình thay đổi, sẽ không có gì thay đổi

Để trở nên xinh đẹp như thế, mỗi cá thể bướm phải trải qua một quá trình mà sinh học gọi là quá trình biến thái bao gồm 4 giai đoạn hay 4 pha, và tất nhiên là không thể sót một pha. Tính giai đoạn cũng tương tự trong việc thay đổi của con người. 

Đồng ý rằng thật khó chịu và thậm chí là đau đớn khi phải thay đổi. Nhưng nếu chúng ta không trải qua hết tất cả giai đoạn thì cuối cùng cũng chẳng có gì thay đổi cả. Chúng ta vẫn ở hình thái cũ, vẫn không thể có cánh và tất nhiên, làm sao chúng ta có thể bay được?

Bài học 2 – Những việc ta làm hiện tại sẽ là chất nuôi dưỡng tương lai

Trong suốt giai đoạn ấu trùng của mình, công việc của những chú sâu bướm đó là ăn và chỉ ăn mà thôi. Chúng sẽ tích lũy những chất dinh dưỡng, để dành sử dụng khi trưởng thành. 

Và bạn, bạn cũng hãy tin rằng quá trình bồi đắp các giá trị cho chính mình cũng chính là quá trình dung dưỡng cho tương lai, cho dù để có được những giá trị thì đôi khi cũng không dễ tí nào. Thậm chí còn có những người không biết giá trị mình muốn theo đuổi là gì. Nếu bạn cũng nằm trong số đó thì càng có lý do để xem tiếp bài học thứ ba dưới đây.

Bài học 3: Ở một mình sẽ cho bạn không gian và thời gian để chiêm nghiệm

Khi sâu bướm đã phát triển đầy đủ và dừng ăn lại, chúng tìm nơi để tiếp tục pha nhộng. Phụ thuộc vào loài cụ thể, sâu bướm sẽ treo mình trên cành cây, ẩn mình sau những phiến lá hay tự làm kén bao bọc lấy toàn bộ thân thể để thực hiện bước thay đổi lớn nhất trong chu kỳ sống của mình. 

Và chúng ta cũng thế, để thay đổi, chúng ta đôi khi cũng phải dừng lại cái guồng quay chán ngán hằng ngày, đi đến một nơi nào đó không cần thật xa nhưng một mình, tĩnh lặng để tìm lại sự thư thái nội tâm lẫn thể chất.

Điều cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này đó là bề ngoài thì trông có vẻ chẳng có gì khác biệt nhưng thực chất lại có sự thay đổi sâu sắc bên trong. Những tế bào đặc biệt có sẵn bên trong những chú nhộng lúc này phát triển nhanh đột biến và hình thành các bộ phận như chân, cánh, mắt và các phần khác để chính thức trở thành thực thể loài Bướm hoàn chỉnh. 

Điều đó cũng tương tự như cách suy nghĩ của bạn về mọi thứ sẽ thay đổi một cách sâu sắc sau khi đã một mình chiêm nghiệm vậy. Đặc biệt là bạn hiểu rõ hơn về bản thân, bạn biết mình muốn gì và làm cách nào để đạt được điều đó.

Bài học 4 – Muốn trưởng thành, bạn cần phải đánh đổi

Đâu phải cứ chui vào trong kén là một con sâu lập tức phát triển các cơ quan để thành bướm! Chúng phải nhịn ăn trong suốt hàng tuần liền, tự tiêu biến một số bộ phận trên cơ thể thì mới hình thành được các cơ quan trưởng thành của một chú bướm. Chưa kể ở pha sâu non trước đó, chúng phải tự "lột xác" vài lần mới có thể lớn lên được. 

Con người cũng vậy, muốn thực sự trưởng thành, tất nhiên bạn không cần phải lột da, nhưng nhất định phải lột bỏ những tư tưởng cũ kỹ của mình và theo đó là phải đánh đổi cả thời gian và công sức. Hãy nhớ là con người khổng lồ trong bạn không thể tự nhiên mà thức dậy.

Bài học 5: Phải nỗ lực, nỗ lực đến kiệt sức mới có thể đạt được điều mình mơ ước

Và rồi thời khắc quan trọng đã đến, chú nhộng nay đã phát triển hoàn chỉnh và sẽ chui ra khỏi kén và vẫy vùng vào bầu trời xanh. Nhưng mọi thứ không dễ dàng đến thế. Trước đây chúng làm kén là để tự bảo vệ chính mình khỏi những tác động xung quanh trong suốt qá trình chuyển pha, và vì thế những tổ kén này sẽ không dễ dàng bị phá hủy. Thật không may chúng nhất định phải dồn hết sức lực để tự mình làm điều đó. Nếu bạn có xem những đoạn phim quay lại cảnh thoát kén của loài bướm, bạn sẽ thấy được chúng phải khổ sở đến nhường nào. Nhưng đừng vì thương hại mà giúp chúng xé bỏ tổ kén.

Vì tất cả đã được mẹ thiên nhiên sắp đặt. 

Khi cơ thể chúng tự nhận thấy quá khó khăn để chui ra ngoài, lúc này sẽ tiết ra một loại chất nhờn không những giúp chúng dễ dàng thoát kén mà sau đó còn giúp đôi cánh to hơn, mạnh mẽ hơn để có thể bay lượn. Vậy nên việc bạn giúp chúng cũng tương tự như việc lấy đi đôi cánh mơ ước của chúng.

Và mẹ thiên nhiên cũng làm như thế đối với con người. Nếu bạn có ước mơ, không ai khác ngoài bạn có thể biến chúng thành hiện thực bằng cách nỗ lực hết mình. Nếu bạn tin vào Chúa trời hay Phật Tổ, vâng, xin hãy an tâm là họ không bao giờ thực hiện những ước mơ đó giúp bạn đâu mà sẽ gửi đến bạn nhiều hơn những gian truân, những thử thách. Bởi những ai can đảm đối đầu với chúng, chiến đấu đến sức cùng lực kiệt thì quả nhiên người đó xứng đáng có được phần thưởng là ước mơ của mình. Và đó cũng chính là bài học đáng quý nhất, đáng suy ngẫm nhất của loài bướm dành tặng cho con người.

Nguồn: Cafebiz

 

Các tin khác

  1. Bạn Nên Làm Gì Để Thúc Đẩy Nhân Viên Phát Triển
  2. Văn Hóa Cúi Đầu Của Người Nhật Bản: Sự Giao Thoa Giữa Nét Đẹp Của Các Đức Hạnh Cổ Xưa Với Xã Hội Hiện Đại
  3. 5 lý do khiến nhân viên của bạn muốn rời đi
  4. Nguyên Nhân Câu Chuyện Của Nhân Viên Có Thể Tạo Nên Hay Phá Vỡ Văn Hóa Của Công Ty
  5. 5 Bí Kíp Thu Phục Đối Tác Cần Ghi Nhớ
  6. Tại sao nhà tuyển dụng cần lắng nghe yêu cầu đào tạo của nhân viên?
  7. Làm Thế Nào Thúc Đẩy Năng Suất Cho Team Của Bạn
  8. Hai Kỹ Năng Giúp Bạn Thành Công Trên Mọi Bàn Đàm Phán
  9. Tiếng Lòng Mà Nhân Viên Muốn Gữi Tới Sếp
  10. Nhân Viên Liên Tục Dứt Áo Ra Đi, Văn Hóa Công Ty Liệu Có Vấn Đề?