Ngày xửa ngày xưa, Tiến sỹ Thân Nhân Trung đã nói “Hiền tài là nguyên khi của quốc gia”. Ngày nảy ngày nay, các CEO nói “Nhân tài là nguyên khí của doanh nghiệp”.
Khi Việt Nam chính thức hội nhập nền kinh tế quốc tế, thì cuộc chiến trên thị trường ngày càng diễn ra khốc liệt. Cạnh tranh về thị phần khách hàng, cạnh tranh về nguồn nguyên vật liệu… Đặc biệt là cạnh tranh về “chất xám”.
Doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp có “nội lực” mạnh, mà nội lực ấy chính là từng nhân viên, từng cán bộ trong doanh nghiệp. “Nhân tài là nguyên khí của doanh nghiệp”. Xét trong tầm chiến lược lâu dài, muốn doanh nghiệp trường tồn và phát triển thì yếu tố cốt lõi là phải xây dựng được hệ thống “nhân lực xuất sắc”.
Vấn đề đăt ra là, để có hệ thống “nhân lực xuất sắc” ấy là điều không đơn giản! Ta dễ dàng bắt gặp cụm từ “chảy máu chất xám”, tìm kiếm được “nhân tài” đã là điều không dễ, giờ muốn “níu chân” “nhân tài” ấy lại khó gấp vạn lần!
Ẩn số để “níu” chân và thu hút nhân tài chính là? “Môi trường làm việc”.
Tầm quan trọng của môi trường làm việc
Cuộc chạy đua về lương hẳn đã là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của “người tài” trong việc đi hay ở, trong việc lựa chọn doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác? Hằng ngày, nhân viên của bạn cắp cặp táp đến cơ quan, làm việc miệt mài 8 tiếng, có lẽ họ đối mặt với đồng nghiệp, với khách hàng, với lãnh đạo còn nhiều hơn là đối mặt với người thân, gia đình và bạn bè. Và công sở trở thành ngôi nhà thứ hai của họ. Thử xem, nếu họ cảm nhận, đồng nghiệp như anh em, nhà quản trị như bậc tiền bối, thì liệu họ có “dứt áo ra đi”. Đó chính là kết quả của việc xây dựng được môi trường làm việc tốt.
Nếu biết xây dựng môi trường làm việc mà mọi thành viên trong công ty đều có điều kiện phát huy mọi khả năng và thể hiện sự độc đáo của mình, tạo được sự hưng phấn trong công việc thì đích đến tất yếu đó chính là hiệu quả kinh doanh và biểu hiện bằng doanh thu của doanh nghiệp.
“Tiếng lành đồn xa”, khi doanh nghiệp trở nên có
tiếng là nơi làm việc lý tưởng thì nhân tài sẽ tự động tìm đến, vậy
là bạn không chỉ tính được bước đi ngắn hạn mà còn tính được bước
đi dài han. Tôi không chỉ có được nhân tài cho ngày hôm nay, mà tôi
còn có được nhân tài cho ngày mai. Việc vận động nguồn nhân sự, sẽ
khiến bạn xoay chuyển được tình thế: từ cuộc cạnh tranh giữ chân
nhân tài trở thành cuộc cạnh tranh của chính những nhân tài để có
được vị trí trong doanh nghiệp của bạn. “Một công đôi việc”. Mặt
khác, cuộc “cạnh tranh giữa các nhân tài” người được hưởng lợi
chính là doanh nghiệp.
Vậy môi trường làm việc chuyên nghiệp là
gì?
Cùng cắt nghĩa “môi trường làm việc” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó.
Nghĩa đen: Môi trường làm việc là không gian làm việc, là cách bố trí bàn làm việc, các phòng ban, cách sắp xếp, bài trí, nội, ngoại thất.
Có lẽ, không nhiều nhà quản trị để ý đến ảnh hưởng của yếu tố “nội, ngoại thất đến môi trường làm việc. Màu sơn tường, hay cách đặt một lẵng hoa, một chậu cây cảnh sẽ có hiệu quả tích cực trong việc kích thích việc tư duy và tăng động lực làm việc cho nhân viên.
Một bầu không khí tẻ ngắt trong văn phòng có thể khiến hiệu quả của nhân viên đạt thấp, vì thế việc sáng tạo ra các hình thức giải trí khác nhau, biến văn phòng trở thành ngôi nhà ấm cúng hoặc một nơi giải trí đầy thú vị sẽ có những hiệu quả rất tích cực để tăng năng suất người lao động.
Bạn có nhận ra đây là văn phòng làm việc? Đó chính là văn phòng của Google - một trong sáu môi trường làm việc đáng mơ ước, với thiết kế độc đáo mang phong cách Wilky Wonka. Ý tưởng về môi trường làm việc này khiến nhân viên của Google luôn làm việc có hiệu quả và hợp tác. Vậy hiệu quả cuối cùng vẫn là “tối đa hóa lợi nhuận”.
Nghĩa bóng, môi trường làm việc chính là quá trình giao tiếp giữa nhà quản trị và nhân viên, chính là điều kiện làm việc cũng như cơ hội thăng tiến của mỗi nhân viên.
Môi trường làm việc cần lành mạnh, công bằng, dân chủ, tạo điều kiện làm việc có hiệu quả cho mọi người. Môi trường làm việc đó được xây dựng trên những quy chuẩn làm việc công khai, minh bạch, được mọi người tham gia ý kiến, xây dựng và hoàn thiện. Góp phần phát huy tinh thần tự giác và ý thức cộng đồng trách nhiệm của mỗi người.
Đặc biệt hơn, đó còn là nơi để mỗi cá nhân được phát huy tối đa năng lực bản thân, cộng thêm những chế độ đãi ngộ, việc trau dồi, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cùng với cơ hội thăng tiến trong công việc. Đó là động lực vô cùng lớn để mỗi nhân viên hoạt động tích cực, có hiệu quả, và đạt được hiệu suất công việc cao nhất.