Đây Là Kỹ Năng Lãnh Đạo Quan Trọng, Nhưng Thường Bị Xem Nhẹ

Để trở thành một nhà lãnh đạo thực sự tuyệt vời, bạn cần phải có kỹ năng kể những câu chuyện tuyệt vời.

Từng làm việc với nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune 500, cũng như nhà quản lý tại các cơ quan báo chí, Steven Spatz - Chủ tịch Công ty BookBaby tự hỏi, yếu tố nào đã giúp họ có được khả năng sáng tạo, truyền cảm hứng và gắn kết mọi người với nhau?

Thật bất ngờ, câu trả lời lại là yếu tố mà thoạt trông có vẻ không quá quan trọng: khả năng kể những câu chuyện tuyệt vời.

"Kể chuyện là một kỹ năng, một công cụ thường bị xem nhẹ nhất trong kinh doanh. Nhưng, nó chính là công cụ tạo tác động lớn nhất trong sự nghiệp lãnh đạo của tôi. Thực ra, tôi tin rằng, để trở thành một nhà lãnh đạo thực sự tuyệt vời, bạn cần phải có khả năng kể những câu chuyện tuyệt vời", Steven Spatz cho biết trên Medium.

Truyền cảm hứng bằng các câu chuyện

Kể những câu chuyện tuyệt vời nghĩa là truyền đạt những điều tưởng chừng như không thể, nói lên những điều có vẻ như còn khá mơ hồ với nhiều người, và truyền cảm hứng cho những người thất vọng. Vì những câu chuyện tuyệt vời thường xoay quanh con người (họ là ai, họ làm gì, tại sao họ lại quan trọng…), nên việc kể chuyện về nhân viên và cho nhân viên có thể là cách tuyệt vời để gắn kết với họ.

Hãy thay thế những lời khen ngợi mơ hồ bằng những lời ghi nhận cụ thể cho sự đóng góp của mỗi cá nhân. Một nghiên cứu được HealthStream thực hiện trên 100.000 người cho thấy, khi được hỏi "Nhân viên cần nhất điều gì từ nhà lãnh đạo?", những nhân viên hài lòng nhất trong công việc đã phản hồi rằng, nhà lãnh đạo của họ rất giỏi trong việc giúp họ trở nên khác biệt so với đám đông, thường bằng cách kể những câu chuyện tuyệt vời về những điều họ đã làm được.

Các câu chuyện giúp các tổ chức, đội ngũ gắn kết hơn

Nhà nghiên cứu Uri Hasses từ Đại học Princeton từng phân tích hoạt động não bộ của những khán giả khi họ lắng nghe một diễn giả kể chuyện, đồng thời so sánh sự hoạt động não bộ của người nghe và vị diễn giả đó. Ông thu được kết quả là, não bộ của cả người nghe và diễn giả đều hoạt động và gắn kết với nhau trên cùng bước sóng khi các câu chuyện được kể ra, thậm chí khi chỉ có một người kể, những người còn lại chỉ đơn thuần là lắng nghe chứ không tương tác với nhau.

Điều đó cho thấy, việc kể một câu chuyện tuyệt vời là phương tiện kết nối hiệu quả, thúc đẩy việc hoàn thành một công việc, hoặc một sứ mệnh nào đó.

Kể chuyện là phương tiện tốt nhất để tương tác

Steven Spatz khẳng định, những nhà lãnh đạo giỏi nhất ông từng làm việc cùng luôn có khả năng khẳng định bản thân và thế giới quan của mình thông qua các câu chuyện.

Trên thực tế, một nhà lãnh đạo giỏi phải là người dễ gần và đáng tin cậy. Việc kể những câu chuyện về bản thân và những trải nghiệm cá nhân chính là một cách tuyệt vời để làm được điều đó.

Kể chuyện cũng là cách hiệu quả hơn hẳn tài liệu PowerPoints hay Excel khi nhà lãnh đạo cần nói về những vấn đề "phi cá nhân" và cả những vấn đề đòi hỏi phải có một sự tinh tế nhất định, chẳng hạn như những chiến lược mới vốn đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều.

Làm thế nào để có những câu chuyện tuyệt vời?

Trong cuốn sách The Tipping Point: How Little Things Can Make a Big Difference (tạm dịch: Làm thế nào những điều nhỏ bé có thể tạo ra một sự khác biệt lớn), tác giả Malcolm Gladwell cho rằng, yếu tố quan trọng để kể những câu chuyện tuyệt vời là thu hút và duy trì sự chú ý của mọi người vào một sản phẩm hoặc ý tưởng.

Theo đó, những câu chuyện tuyệt vời này phải:

- Rõ ràng và cô đọng
- Đầy tính ẩn dụ, có những từ ngữ mạnh mẽ, gợi hình
- Giàu cảm xúc (vì cảm xúc sẽ thúc đẩy sự ra quyết định của mọi người)
- Mang một yếu tố bất ngờ (nhiều nghiên cứu cho thấy sự bất ngờ giúp giải phóng adrenaline trong não, tăng cường sự hình thành trí nhớ)

Rào cản lớn nhất đối với việc trau dồi kỹ năng kể chuyện là… không có câu chuyện để kể. Vì vậy, nhà lãnh đạo cần phải thường xuyên sưu tập những câu chuyện hằng ngày của riêng họ. Bạn sẽ không biết khi nào thì những điều đáng nhớ sẽ xảy đến với mình, do đó, khi nó đến, hãy ghi lại, và lưu giữ lại. Biết đâu một câu chuyện nào đó sẽ tạo nên bước ngoặt đáng nhớ trong sự nghiệp lãnh đạo của bạn.

Không phải ai cũng sẽ dễ dàng trở thành một người kể chuyện tài ba. Và cách tốt nhất và đơn giản nhất để cải thiện kỹ năng này là: hãy bắt đầu lắng nghe nhiều hơn.

Nguồn: Doanhnhansaigon

 

Các tin khác

  1. 4 Quy Tắc Tuyển Dụng Từ Đối Thủ Cạnh Tranh
  2. 7 Điều Cần Tìm Kiếm Khi Tuyển Dụng Chuyên Gia
  3. Làm Thế Nào Để Khuyến Khích Nhân Viên Tạo Ra Văn Hóa Công Ty Của Riêng Họ?
  4. “Tiếp Lửa” Nhân Sự Hậu Covid-19
  5. Căng Thẳng Đã Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Công Việc Của Nhân Viên?
  6. 30 Giây Giúp Bạn Khẳng Định Vị Thế Và Năng Lực Lãnh Đạo
  7. Làm Việc Thông Minh, Không Khó: 7 Lời Khuyên Cần Thiết Cho Doanh Nhân Bận Rộn
  8. 4 Điều Mà Các Nhà Tuyển Dụng Nên Làm Để Tuyển Dụng Nhân Viên Làm Việc Từ Xa
  9. Chữa Bệnh Lưỡng Lự Cho Nhân Viên
  10. 14 Cách Để Xây Dựng Một Kế Hoạch Truyền Thông Đến Nhân Viên Hiệu Quả