Đôi khi, những điều nhân viên chẳng bao giờ chia sẻ với bạn lại là những điều bạn muốn lắng nghe nhất. Đôi lúc, im lặng là tốt, song chính sự im lặng ấy lại không cho phép bạn hiểu thấu con người thật sự của bạn cũng như những gì cấp dưới cần nơi bạn. Nhân viên của bạn có thể đang có một số cảm nghĩ mà bạn chưa biết tới và dưới đây là vài ví dụ.
“Thôi đừng kể mãi với tôi những câu chuyện riêng của ông (bà)”. Nói về những đề tài bên cạnh công việc sẽ giúp xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn giữa sếp và nhân viên, song nhiều người chỉ nói về bản thân trong khi chẳng hiểu người nghe nghĩ gì.
Nói chung, các nhân viên, đặc biệt là nhân viên mới, thường chẳng mấy hứng thú lắng nghe về những chuyện quá riêng tư của bạn. Các nhân viên mới luôn cảm thấy họ đang là một phần của tổ chức và điều quan trọng nhất đối với họ là sếp đánh giá năng lực làm việc của họ ra sao, còn những người cũ thì muốn biết sếp quan tâm đến họ tới mức nào.
“Ông (bà) không thấy tôi đang quá bận hay sao?”. Khi bạn dừng lại bên cạnh người nhân viên và nói chuyện, khiến họ phải dừng lại việc đang làm để tiếp chuyện. Khi bỏ đi, bạn đâu có ngờ đã để lại mối lo cho nhân viên vì nhiều thứ chưa hoàn tất, phải chạy nước rút mới kịp. Người nhân viên muốn trò chuyện cùng bạn nhưng họ cũng có việc phải làm.
Giải pháp nên làm là nếu công việc của nhân viên chỉ là các thao tác đơn giản, hãy giúp đỡ họ trong lúc nói chuyện. Khi đó, người nhân viên biết trân trọng sự giúp đỡ của bạn và cuộc trò chuyện sẽ ít có cảm giác bắt buộc.
Trong những hoàn cảnh khác, nên chọn thời điểm thật thích hợp. Đừng bao giờ chen ngang vào công việc của nhân viên đang bận rộn!
“Ông (bà) có bao giờ nghĩ đến hoàn cảnh và đời sống riêng của tôi!”. Đi ngang qua, hỏi thăm cấp dưới bằng những câu chung chung như: “Con cái anh dạo này thế nào rồi?” hay “Hôm nay anh định đi đâu chơi sau khi tan sở?”… thì bạn chỉ tỏ ra có sự quan tâm hời hợt và không mấy chân thành với nhân viên.
Cần dành thời gian để tìm hiểu về nhân viên một cách sâu sắc để đã trò chuyện thì phải bám theo một nội dung thiết thực. Một trong những cách cho mọi người thấy bạn thật lòng quan tâm đến họ chính là đi theo nguyên tắc 20%, cụ thể là khi nói chuyện với nhân viên, đừng bao giờ nói nhiều hơn 20% tổng số thời gian vì bạn còn phải dành thời gian để lắng nghe họ.
“Đã tôn trọng tôi thì hãy giao những việc quan trọng để tôi làm!”. Giao việc quan trọng cho nhân viên chính là một dấu hiệu rõ ràng nhất để thể hiện sự tôn trọng. Làm điều ấy càng nhiều càng tốt khi có thể.
“Đã tin tưởng tôi thì hãy giao cho tôi quyền quyết định cách thực hiện!”. Khi phân công cho ai đó một việc lớn mà tỏ ra tin tưởng, cho phép họ được quyền tự quyết trong giới hạn và điều kiện nhất định thì họ sẽ cảm nhận được sự trân trọng của bạn và sẽ nỗ lực phấn đấu cho xứng đáng với sự tin tưởng của bạn.
“Tôi thật sự muốn làm việc lâu dài tại công ty”. Trước khi đến tuổi ba mươi, nhân viên thường hay nhảy việc vì nhiều lý do, ví dụ lương bổng, không chịu đựng nổi sếp của mình… Hãy tìm hiểu nguyên nhân nhân viên bỏ đi và giải quyết cho triệt để. Người nhân viên phải rất đắn đo khi đổi việc.
Nói chung, ai cũng muốn có công ăn việc làm tốt và ổn định, nhưng nhiều khi các sếp lại không thấu hiểu điều đó. Quan sát, lắng nghe, đưa ra những hành động khôn ngoan theo đúng phận sự của một nhà quản trị là cách bạn sẽ giữ được hầu hết nhân viên giỏi ở lại với mình.
“Quà tặng thì tốt đấy, nhưng một câu cảm ơn của ông (bà) mới là thứ tôi quý hơn”. Hãy tìm lý do để cảm ơn nhân viên của bạn càng thường xuyên càng tốt. Nói lời cảm ơn có lợi cho bạn theo hai hướng: nhân viên sẽ thấy mình được đánh giá cao và bạn có chiếc cầu nối tuyệt vời nhất để bắt đầu cuộc chuyện trò với họ một cách tự nhiên và có lợi cho công việc chung.