Kinh Tế Việt Nam 2020: Nhiều "Trái Ngọt" Trong Năm Đại Dịch

Bất chấp những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao dốc.

Thông tin kinh tế đáng chú ý trên các báo ra trong tuần qua là những gam màu sáng trong nông nghiệp và kinh tế đối ngoại.

Càng trong gai góc, càng thu nhiều trái ngọt

Dịch bệnh, thiên tai hoành hành khiến Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm nay thấp nhất trong nhiều năm, nhưng càng trong gai góc, càng thu nhiều trái ngọt. Trái ngọt ở đây như khẳng định của tờ Thời báo tài chính đó là Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tích cực nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao dốc. Việt Nam có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo IMF, Việt Nam có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: FT)

Vượt lên trên tất cả những kết quả đó, năm 2020 là năm thành công nhất nhiệm kỳ 2016 - 2020 về tinh thần, ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Hiện, nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó một số mặt hàng chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra… Tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp cả năm ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019).

Việt Nam và những cuộc đua vào tốp đầu thế giới: Kỳ tích gạo

Một năm đối mặt với thiên tai hoành hành và dịch bệnh dữ dằn nhất trong 100 năm qua, nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng. Dự kiến trong năm nay, xuất khẩu gạo sẽ vượt mốc 6,6 triệu tấn, vượt qua Thái Lan. Gạo xuất khẩu được giá, thu nhập của nông dân trồng lúa được cải thiện. Trong loạt bài "Việt Nam và những cuộc đua vào tốp đầu thế giới", báo Lao động bình luận:

"Việt Nam đã khiến cho thế giới kinh ngạc và nể phục khi từ quốc gia thiếu đói vươn lên trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo. Đặc biệt những năm gần đây, gạo Việt liên tục có mặt top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Đó là kỳ tích do Việt Nam tạo nên từ một quá trình dài không ngừng đổi mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn. Gạo Việt đang được nâng tầm. Nhà nông và doanh nghiệp sản xuất đã tập trung sâu vào chất lượng chứ không còn chạy theo số lượng".

EVFTA mang đến cho Việt Nam một lợi thế đặc biệt

Cùng với hạt gạo, con cá tra và con tôm cũng đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu. Tháng 8, tháng đầu tiên khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu chỉ tăng 1%, đến tháng 10 tăng 20%, tháng 11 tăng 30% và dự kiến tháng 12 tăng 15%. Tương tự, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đã tăng lên đáng kể cũng cho thấy một thực tế là Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại.

Kỳ tích FDI và vị thế trong 12 quốc gia thành công nhất thế giới

Bất chấp những tác động tiêu cực và nặng nề của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam vẫn thu hút được 23,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến thời điểm cuối tháng 10 năm nay.

Công ty Inventec chuyên lắp ráp tai nghe AirPods đang chuẩn bị xây nhà máy tại Việt Nam. Sớm hơn, Foxconn - nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất iPhone, iPad - cũng đã kịp xây dựng nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ.

Trước đó, tờ Nikkei (Nhật Bản) cũng thông tin các "ông lớn" như Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop sang Việt Nam. Tờ Lao động nhận định, năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhưng trên hết, sự ổn định chính trị cùng nguồn nhân lực dồi dào khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp đầu tư FDI lớn trên thế giới.

Các nhà đầu tư châu Âu cũng đang nhìn Việt Nam như một trung tâm sản xuất của khu vực, một địa điểm đầu tư hấp dẫn. Bằng chứng là các nhà đầu tư châu Âu đã đăng ký trên 1,4 tỷ USD, một con số khá tích cực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

EKVFTA khởi đầu lộ trình mới

Mới đây, việc Việt Nam và Anh vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) và hướng tới ký kết hiệp định này, các tờ báo chuyên viết về kinh tế cho rằng, đây cũng là một tín hiệu lạc quan.

Trong bối cảnh Anh rời EU (Brexit), các ưu đãi mang lại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ không được áp dụng tại Anh thì kết quả đàm phán giữa hai nước sẽ tránh được gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả của Brexit.

Theo phân tích từ tờ Công Thương, các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ Hiệp định này là: thủy sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… Hiệp định cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn với các doanh nghiệp Anh trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, giáo dục, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và dược phẩm. Ở tầm vĩ mô, hiệp định cũng đánh dấu những nỗ lực của Việt Nam vươn lên với tư cách là một thành viên tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu.

Đây là thời của tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại

Việc Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định Thương mại mang tầm chiến lược như CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), gần đây là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và dự kiến sắp tới sẽ là Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) có nghĩa là Việt Nam gần như đã hợp tác với tất cả các đối tác trên toàn cầu.

Tiến trình hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Việt Nam là đối tác tin cậy của rất nhiều nước lớn. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội, thể chế vẫn được xác định là một đột phá chiến lược trong những năm tới. Khác với những năm trước đây, trọng tâm của của đổi mới thể chế là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, trọng tâm đột phá tới đây là đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực.

Theo phân tích của tờ Thời báo Ngân hàng, việc phân bổ nguồn lực nhà nước chưa theo nguyên tắc thị trường chính là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay, vì việc phân bổ vẫn theo cơ chế xin - cho, thân hữu dẫn đến sai lệch, sử dụng nguồn lực kém hiệu quả. Hệ lụy là nền kinh tế cạnh tranh kém hiệu quả như hiện nay. Cải cách được điều này là "vô cùng khó" và phải rất quyết tâm mới làm được.

Kiên định với mục tiêu ổn định vĩ mô

Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Chính phủ đã cam kết sẽ "tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất", minh bạch và thuận lợi. Với việc vaccine COVID-19 bắt đầu được sử dụng tại một số nước, kỳ vọng đại dịch sẽ sớm được kiểm soát, mở đường cho thương mại toàn cầu phục hồi. Với một góc nhìn lạc quan, một số tổ chức dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, thậm chí có thể tăng trưởng cao trong năm 2021.

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 từ 1,8% lên 2,3% và ở mức 6,1% năm 2021. Tập đoàn HSBC dự báo tăng trưởng 2021 có thể đạt 8,1%; hay Standard Chartered nhận định kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021.

Dù không lạc quan như các tổ chức nước ngoài trên, nhưng nhiều chuyên gia trong nước cũng nhận định, khả năng tăng trưởng kinh tế 6 - 7% không phải là mục tiêu khó nhưng sẽ tùy thuộc vào hai biến số rất quan trọng là diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và nỗ lực cải cách.

Nguồn: Cafebiz

 

Các tin khác

  1. Thỏa Thuận Việc Làm Mới: Người Lao Động Của Bạn Thực Sự Muốn Gì
  2. Học Cách Tập Trung Để Lãnh Đạo Thành Công
  3. 5 Đặc Điểm Doanh Nghiệp Cần Tìm Kiếm Để Tuyển Dụng Nhân Tài Có Trí Tuệ Cảm Xúc Cao
  4. Hậu Covid: Các Đặc Quyền Văn Phòng Giúp Thu Hút Nhân Tài Mới
  5. Các Nhà Lãnh Đạo Mong Đợi Điều Gì Và Cách Chuẩn Bị Tốt Nhất Cho Năm 2021
  6. Các Nhà Lãnh Đạo Giỏi Đều Hiểu 6 Sai Lầm Kinh Điển Này, Nhưng Vẫn Tiếp Tục Sai
  7. Thay Đổi Hay Thất Bại: Tại Sao Nhà Tuyển Dụng Nên Thiết Kế Lại Văn Hóa Nơi Làm Việc?
  8. 3 Bài Học Mà Mọi Nhà Lãnh Đạo Nên Rút Ra Từ Năm 2020
  9. Những Lý Do Nào Khiến Ngành Tuyển Dụng Sẽ Thay Đổi Hoàn Toàn
  10. 6 Bước Giúp Doanh Nhân Nhận Biết Đúng Thời Điểm Thành Công Trong Kinh Doanh