Trong đại dịch Covid-19, nếu người lãnh đạo chậm thay đổi tư duy, do dự trong việc ra quyết định sẽ làm cho doanh nghiệp tổn thất nặng nề, dẫn đến nguy cơ phá sản hoặc đóng cửa...
Tạo dựng lòng tin
Người lãnh đạo trong giai đoạn này cần tạo dựng lòng tin trong nội bộ lẫn đối tác, khách hàng. Cụ thể là phải tạo dựng lòng tin đối với nhân viên và lãnh đạo cấp trung, cấp cao để họ cùng chia sẻ và chung tay giải quyết những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đương đầu. Phải tạo dựng lòng tin với cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên để họ đồng thuận với các quyết định mà mình cần xin ý kiến theo thẩm quyền, tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong lúc “nước sôi lửa bỏng”. Đại dịch Covid-19 có thể làm cho doanh nghiệp vi phạm hợp đồng, có thể làm cho chất lượng hàng hóa, dịch vụ không đáp ứng yêu cầu, vì vậy người đứng đầu doanh nghiệp phải biết thuyết phục để khách hàng thông cảm và chia sẻ về những khó khăn tạm thời, đồng thời phải có những cam kết mạnh mẽ thực hiện đúng hợp đồng khi kinh tế hồi phục.
Minh bạch thông tin
Người lãnh đạo cần phải trung thực khi cung cấp thông tin trong nội bộ và ra công chúng. Thông tin minh bạch giúp nhân viên, cổ đông, khách hàng hiểu rõ những vấn đề cần giải quyết để họ có thể chia sẻ, góp ý, giúp người lãnh đạo đưa ra những quyết định đúng đắn. Bưng bít hoặc cung cấp thông tin sai lệch sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm, đưa doanh nghiệp vào tình thế khó khăn hơn. Người lãnh đạo cần chủ động cung cấp trung thực các thông tin như tình hình tài chính công ty, tình hình thị trường, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nguy cơ mà doanh nghiệp phải đương đầu. Khi cung cấp thông tin, đặc biệt tránh bôi đen hoặc tô hồng để che giấu hoặc thổi phồng thực trạng doanh nghiệp. Minh bạch thông tin cũng là cách tạo dựng thêm niềm tin đối với nội bộ, đối với đối tác và khách hàng.
Đương đầu khó khăn, thách thức
Covid-19 chính là “bài test” năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo doanh nghiệp. Chưa bao giờ người lãnh đạo doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều thách thức lớn như trong đại dịch. Đó chính là thách thức về doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thiếu nguồn nhân lực; thách thức do chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Người lãnh đạo phải biết đương đầu với tất cả thách thức đó, không né tránh, sẵn sàng chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Cần phân loại khó khăn, thách thức theo thứ tự ưu tiên để giải quyết từng vấn đề một, không ôm đồm giải quyết nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Người lãnh đạo doanh nghiệp cần tránh rơi vào hai trạng thái cực đoan: hoặc là xem nhẹ khó khăn, thách thức sẽ dẫn đến những quyết định nóng vội, hoặc là nghiêm trọng hóa vấn đề dẫn đến lãng phí nguồn lực, gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong nội bộ. Chấp nhận thách thức và sẵn sàng đương đầu với nó là phẩm chất mà người lãnh đạo cần phải có để chiến thắng đại dịch.
Xử lý khủng hoảng và ra quyết định
Do ảnh hưởng của đại dịch, doanh nghiệp trong giai đoạn này phải đương đầu với rất nhiều khủng hoảng về truyền thông, tài chính, nhân sự, nguồn cung ứng... Người lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch hoặc quy trình xử lý khủng hoảng chi tiết cũng như dự báo các tình huống có thể xảy ra và phân công người tham gia xử lý khủng hoảng. Quy trình xử lý khủng hoảng sẽ giúp cho nhân viên, lãnh đạo các cấp hiểu rõ vấn đề và cách xử lý. Trong thực tiễn điều hành doanh nghiệp, có những yêu cầu cấp bách mà người lãnh đạo phải quyết đoán, tự tin khi ra các quyết định. Người lãnh đạo giỏi cần ra quyết định nhanh chóng để xử lý khủng hoảng theo kế hoạch, quy trình đã đặt ra, không trông chờ vào ý kiến tập thể, vì chỉ cần chậm trễ hoặc do dự sẽ bỏ lỡ cơ hội. Né tránh hoặc trông chờ vào ý kiến tập thể hoặc cấp trên sẽ khiến khủng hoảng trở nên trầm trọng thêm.
Chấp nhận và thích ứng với thay đổi
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, người lãnh đạo phải đối diện với nhiều thay đổi hơn, tần suất xảy ra nhiều hơn. Đó là những thay đổi liên quan đến phòng chống dịch, thị trường, thị phần... Trong giai đoạn đầu, người lãnh đạo có thể bỡ ngỡ với những thay đổi vì nó khác với cách quản trị truyền thống từng có kinh nghiệm. Tuy nhiên, người lãnh đạo giỏi phải biết thích ứng nhanh, chuyển những bất lợi thành thuận lợi để quản trị tốt doanh nghiệp. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp đóng cửa, phá sản trong thời gian qua một phần là do người lãnh đạo có tư duy thủ cựu, không chấp nhận thay đổi, chỉ duy trì cách quản trị, điều hành công ty theo kiểu truyền thống.