Để trở thành người lãnh đạo xuất chúng, để quản lý nhân viên hiệu quả, đồng cảm thôi chưa đủ. Vì trong nhiều trường hợp, đồng cảm có thể làm nhà lãnh đạo ra các quyết định tồi.
Adriana Puente là chuyên gia tư vấn của The Rawls Group - một công ty tư vấn chiến lược kế nhiệm cho doanh nghiệp tại Mỹ. Công việc hiện tại của Adriana là giúp chủ doanh nghiệp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai chiến lược kế thừa, nhằm duy trì giá trị kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trong bài viết chia sẻ với Ellevate - mạng lưới trao đổi kinh nghiệm của các nữ chuyên gia trên toàn cầu, Adriana Puente phân tích về mặt trái của sự đồng cảm khi lãnh đạo công ty như sau:
Để tăng cường sự gắn kết nội bộ, nhiều nhà lãnh đạo thường nói rằng họ cần phải trở nên đồng cảm nhiều hơn. Đồng cảm ở đây là kỹ năng nhận biết và hiểu được cảm xúc, góc nhìn từ người khác. Ở vị trí lãnh đạo, kỹ năng này quan trọng, vì bạn không thể lãnh đạo hiệu quả bất cứ ai nếu bạn không hiểu họ. Bạn cũng chỉ có thể tạo ra động lực, lẫn sức ảnh hưởng khi bạn biết được nhân viên đang cảm thấy như thế nào.
Có nhiều lý do để các chuyên gia đánh giá khả năng đồng cảm là yếu tố cạnh tranh cốt lõi của năng lực lãnh đạo. Đồng cảm giúp tăng sự hài lòng vào cuộc sống, trí thông minh cảm xúc cũng như lòng tự trọng. Những người có sự đồng cảm cao thường có một mạng lưới các mối quan hệ xã hội rộng lớn, cảm thấy cuộc sống đầy đủ, cũng như sẵn sàng góp sức vào các hoạt động cộng đồng nhiều hơn.
Tuy nhiên để trở thành người lãnh đạo xuất chúng, để quản lý nhân viên hiệu quả, đồng cảm thôi chưa đủ. Vì trong nhiều trường hợp, đồng cảm có thể làm người lãnh đạo ra các quyết định tồi.
Đồng cảm có thể đưa đến những quyết định thiếu sáng suốt
Đồng cảm có thể làm một người dẫn đường đầy đạo đức nhưng thiếu sáng suốt. Sự đồng cảm đôi lúc sẽ thúc đẩy chúng ta đưa ra những lựa chọn sai lầm. Qua nghiên cứu, Paul Bloom - Giáo sư về khoa học nhận thức và tâm lý học tại Đại học Yale và là tác giả quyển Against Empathy, đã phát hiện ra rằng sự đồng cảm có thể làm biến dạng những quyết định của con người.
Trong nghiên cứu của mình, Paul Bloom thử nghiệm cho hai nhóm người lắng nghe một cậu bé bị ung thư mô tả về nỗi đau của em. Một nhóm được yêu cầu xác định và cảm nhận cậu bé. Nhóm còn lại được hướng dẫn chỉ lắng nghe những mô tả và hạn chế hết sức những tác động của cảm xúc.
Sau khi lắng nghe cùng một đoạn ghi âm, mỗi người được yêu cầu ra quyết định có nên đưa cậu bé vào liệu trình điều trị ưu tiên bởi một nhóm bác sĩ chuyên khoa hay không. Với nhóm lắng nghe bằng cảm xúc, 3/4 người tham gia quyết định áp dụng liệu trình điều trị đặc biệt cho cậu bé, bất kể những lời khuyên từ các chuyên gia y tế lẫn việc cậu bé có thể lấy đi cơ hội điều trị đặc biệt của những bệnh nhân khác. Với nhóm lắng nghe chủ quan, chỉ có 1/3 người tham gia ra quyết định như vậy.
Nghiên cứu này cho thấy, lòng vị tha có thể thúc đẩy cá nhân đưa ra quyết định có thể gây hại cho nhiều người chỉ để bảo vệ lợi ích của một người. Ở vị trí lãnh đạo, sự đồng cảm có thể là đám mây che phủ tư duy khách quan, vì cảm xúc này có thể tạo ra sự thiên vị trong quyết định.
Đồng cảm có thể ngăn cản sự đa dạng
Các nghiên cứu đã tìm thấy rằng con người thường đồng cảm với những ai có hệ giá trị tương đồng với mình. Ngay cả với loài vật, chúng ta cũng có những tình cảm riêng. Hãy nghĩ về một chú cún con với đôi mắt to tròn và một chú gà. Bạn sẽ sẵn lòng biến con vật nào thành bữa ăn? Cả hai con vật này đều là sinh vật sống với bản năng né tránh sự nguy hiểm lẫn cái chết, nhưng chúng ta sẽ chọn ăn thịt gà nhiều hơn. Tương tự vậy, chúng ta sẽ dễ đồng cảm khi người hàng xóm bị mất xe hơn là một người xa lạ trên phố.
Cùng nguyên lý này, chúng ta trong vô thức thường đồng cảm với những đồng nghiệp có điểm tương đồng với mình. Người lãnh đạo nếu không tỉnh táo sẽ thường ưu ái dành những công việc thuận lợi hơn, những chức vụ tốt hơn cho người có nhiều điểm tương đồng với họ.
Sự đồng cảm có thể dẫn chúng ta đến những quyết định tuyển dụng hoặc đề bạt nhầm người. Điều này nếu tiếp diễn sẽ tạo ra một tổ chức chỉ gồm những con người có suy nghĩ giống nhau. Khi sự đa dạng quan điểm bị thiếu vắng, công ty của bạn cũng bị thiếu hụt đi nhiều góc nhìn lẫn các sáng kiến, giải pháp khi xử lý vấn đề.
Đồng cảm có thể thu hẹp nhận định
Sẽ rất khó để bạn có thể đồng cảm với nhiều hơn một đến hai người cùng một lúc. Ngay lúc này, hãy thử dành thời gian để lắng nghe hai người gần bạn nhất, cảm nhận những thách thức họ đang đối mặt, cảm nhận những xúc cảm của họ đang có, cùng một lúc. Rất khó phải không? Đôi khi, đây còn là điều bất khả thi.
Tâm trí hay trái tim đơn giản không thể xử lý quá nhiều cảm xúc khác nhau cùng một lúc. Vì vậy, sự đồng cảm với một người đã đòi hỏi ở bạn nhiều nỗ lực thì đồng cảm với hai người sẽ càng có khăn hơn.
Là một người lãnh đạo, chúng ta thường cần phải cân nhắc các góc nhìn khác biệt, cũng như những mối lo ngại của nhiều người cùng lúc. Nếu mọi quyết định của bạn đều đặt trên nền tảng đồng cảm, bạn sẽ không thể ra được các quyết định hiệu quả.
Đồng cảm có thể dẫn đến phiền muộn
Đón nhận những phiền não, vấn đề của người khác là điều rất khó khăn. Trong một khoảnh khắc, hãy tưởng tượng bạn đang là bác sĩ trong phòng cấp cứu, đang chữa trị cho các nạn nhân sau một tai nạn giao thông. Vây quanh bạn là những vết thương khủng khiếp. Bạn nhìn thấy mọi người đau đớn, và thậm chí đang chết dần vì vết thương. Bạn nhìn thấy ở đó cả những vết thương của những người thân thương nhất. Giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác.Tê liệt là phản ứng phổ biến của trường hợp này.
Phải tắt đi mọi trạng thái cảm xúc của bản thân thì bác sĩ mới có thể xử lý hết các vết thương của nạn nhân. Vì sự nhạy cảm trong một vài tình huống sẽ dẫn đến sự phiền muộn chính trong nội tâm của bạn. Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng 60% chuyên gia y tế thường phải chịu đựng trạng thái kiệt sức về tinh thần. Một phần ba trong số họ bị tác động mạnh đến mức phải nghỉ phép một thời gian mới trở lại với công việc của mình.
Là người lãnh đạo, bạn cũng sẽ rất nhiều lần chứng kiến các thành viên của mình đối diện với hoàn cảnh khó khăn. Họ có thể vừa đánh mất một khách hàng lớn. Họ có thể không đạt được mức thăng tiến như bản thân mong muốn. Họ có thể đang trăn trở trong một mối mâu thuẫn căng thẳng với đồng nghiệp. Nếu chúng ta nhận lấy tất cả những sự thất vọng, giận dữ và bất ổn của họ, chúng ta sẽ bị kiệt sức. Sự đồng cảm sẽ vắt kiệt bạn.
Sự đồng cảm thường thoáng qua
Sự đồng cảm có thể dẫn chúng ta đến niềm đam mê rực lửa, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc. Các nghiên cứu tìm thấy rằng nguồn năng lượng do sự đồng cảm mang đến thường biến mất trước khi chúng ta bắt tay vào làm bất cứ công việc ý nghĩa nào. Những xúc cảm thường vụt tắt rất nhanh và mạng xã hội là minh chứng rõ nét cho hiện tượng này.
Bức ảnh về một đứa trẻ tị nạn ở bờ biển châu Âu có thể thúc đẩy hàng triệu người dùng Facebook quyên góp hàng triệu USD vào ngày bức ảnh ấy xuất hiện. Nhưng đến những ngày hôm sau, đám đông sẽ bị thu hút bởi một điều khác. Và câu chuyện tị nạn nhanh chóng rơi vào quên lãng. Rất ít trường hợp duy trì được các hành động dài hạn.
Sự đồng cảm là tốt, nhưng phải đi cùng với những hành động thực tế để tạo ra những tác động thực sự. Đồng cảm nếu thiếu sự bền bỉ, thiếu phân tích khách quan và hành động tương ứng thì thường không có nhiều hiệu quả.
Quản lý cảm xúc với tinh thần lãnh đạo MSC
Nếu sự đồng cảm không phải là kỹ năng cần thiết để dẫn dắt các hành động từ cảm xúc thì đâu là cách thức phù hợp? Câu trả lời chính là tinh thần lãnh đạo MSC: M - Mindfulness (Chánh niệm), S - Selflessness (Lòng vị tha) và C - Compassion (Lòng trắc ẩn).
Các cảm xúc thường là năng lượng động, trong cả cơ thể lẫn tâm trí chúng ta. Bằng cách duy trì chánh niệm, chúng ta nhận thức được các cảm xúc của mình khi chúng xuất hiện trong cơ thể và tâm trí. Nhận thức là bước đầu tiên để quản lý cảm xúc.
Phản ứng tự nhiên của con người với những cảm xúc chính là chối bỏ hoặc kháng cự. Nỗ lực ngăn chặn cảm xúc giống như cố dùng nắp đậy để đè nén một nồi nước đang sôi. Có lúc chúng sẽ bùng lên làm bung cả nắp. Và trong suốt quá trình nỗ lực đè nén đó, chúng ta bị cạn kiệt năng lượng, góc nhìn bị thu hẹp. Kháng cự cảm xúc, bất kể theo cách tích cực hay tiêu cực, đều chỉ có thể mang đến sự dễ chịu tạm thời. Về lâu dài, sự kháng cự này sẽ làm nảy sinh cảm giác thất vọng, hối tiếc hoặc thậm chí xấu hổ về bản thân.
Nguyên nhân là những cảm xúc được nuôi dưỡng bởi phản ứng của chúng ta với chúng. Bạn càng phản ứng mạnh, các cảm xúc càng có thêm năng lượng để bùng nổ. Vì vậy, tiếp cận một cách chánh niệm là lối tắt để bạn có thể thoát ra khỏi phản ứng trốn chạy hoặc đè nén cảm xúc của mình, khi chúng khởi phát.
Để có thể đối diện với cảm xúc, bạn cần sự can đảm và sức mạnh tinh thần. Sự can đảm giúp bạn chấp nhận mọi sự không thoải mái khi những cảm xúc thô ráp xuất hiện. Và sức mạnh tinh thần sẽ giúp bạn ở lại với trạng thái không thoải mái đó.
Lòng trắc ẩn cùng sự tỉnh thức sẽ là sức mạnh vô giá đối với người lãnh đạo, đặc biệt trong những tình huống khó khăn. Hơn cả việc đón nhận cảm xúc lẫn vấn đề của người khác, bằng lòng trắc ẩn tỉnh thức bạn có thể giúp họ xử lý vấn đề của bản thân và tiếp tục tiến lên.