“Tiếp Lửa” Nhân Sự Hậu Covid-19

Đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự… Làm thế nào để những nhân sự còn lại tiếp tục gắn bó và hết mình với công ty là điều các DN nên quan tâm. 

Có nên tinh giảm nhân sự?

Dịch Covid-19 để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các DN và người lao động. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết quý I/2020, có tới 29.200 DN tạm thời đóng cửa, 19.600 DN chờ làm thủ tục giải thể và 7.400 hoàn tất thủ tục DN giải thể. Còn theo Tổng cục Thống kê, có gần 31triệu người lao động bị ảnh hưởng từ đại dịch này kể từ đầu năm nay. 

Thời gian qua, rất nhiều DN giảm doanh thu, phải cân đối lại các chi phí hoạt động. Ông Phan Sơn - Chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD Academy cho rằng, Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến các chi phí của DN, vì vậy cần tính đến bài toán tối ưu chi phí, cắt giảm các hoạt động không cần thiết như phụ cấp (điện thoại, đi lại…), làm việc luân phiên… Trong các giải pháp được DN áp dụng thời gian qua, giảm lương là chi phí cuối cùng mà các DN tính đến. 

Thực tế này khiến người lao động lo lắng và những nhân sự ở lại phải làm việc nhiều hơn bình thường để cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo khảo sát của ACheckin, có tới hơn một nửa (54%) nhân sự duy trì được năng suất làm việc và có khoảng 20% tăng được năng suất. Trong khi đó 71% nhóm lãnh đạo cho rằng kết quả làm việc sẽ giảm. Sự bất nhất này phần nhiều tới từ các công ty chưa áp dụng KPIs, OKR vào quản lý DN.

Nhiều thống kê cho thấy, có nhiều yếu tố khiến nhân viên nhiệt huyết và muốn gắn bó cho công ty là chế độ (chính sách khen thưởng và phúc lợi), công cụ giao tiếp và quản lý nhân sự trong công ty, môi trường làm việc, văn hóa DN thời Covid-19, cơ hội phát triển, thăng tiến và lòng tin của nhân sự với DN

Ông Nguyễn Thành Nam - Sáng lập FUNiX cho rằng, theo văn hóa người Việt, khi khó khăn sẽ đoàn kết với nhau, càng khó thì càng đoàn kết. Nhân sự sẽ nhận thấy trách nhiệm của mình với tổ chức nhiều hơn. Nếu DN có cách thức truyền thông nội bộ để cho nhân sự hiểu được thách thức mà công ty đang đối mặt, người lao động sẽ hiểu, chia sẻ với DN. Vấn đề quan trọng nhất là phải có cách truyền thông thuyết phục được người lao động.

Xây dựng văn hóa cốt lõi

DN khó khăn thì các vấn đề thu hút nhân sự phổ biến từ trước đến nay như lương thưởng, phúc lợi… cũng bị ảnh hưởng. Và khi những yếu tố “ràng buộc nhân viên” này bị lung lay thì văn hóa DN là sợi dây chắc chắn nhất kết nối người lao động với DN. Thế nhưng, nhiều DN do không chú trọng nhiều vào yếu tố này nên phải loay hoay đi tìm “văn hóa”. Ông Nam cho rằng: “Xây dựng văn hóa bền vững là quan trọng. Và trong những lúc khó khăn cũng là lúc văn hóa DN thể hiện rõ nhất”. 

Theo các chuyên gia, bản chất văn hóa DN thì DN nào cũng có. Nhưng văn hóa DN không phải là các hoạt động vui chơi, team building hay các chiêu trò, mà bản chất các hoạt động phải đi từ văn hóa DN cốt lõi đi lên. Những hoạt động này phải được truyền thông nội bộ thông suốt từ cấp lãnh đạo cho đến nhân viên. 

Dịch bệnh có thể kéo dài và DN phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Vì thế, các DN cần chuẩn bị quỹ dự phòng, vun đắp văn hóa DN, xem lại triết lý kinh doanh để có thể truyền thông nội bộ được thông suốt, nhất quán. Theo ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập Elite PR School, Giám đốc điều hành CSCI Indochina, có nhiều bài học, nhiều hoạt động có thể làm trong thời điểm này nhưng nếu áp dụng máy móc vào DN mà không đi từ gốc, văn hóa DN không có thì những hoạt động này cũng chỉ là vay mượn, không thu hút người lao động gắn bó với công ty.

Cơ hội để đào tạo 

Ngoài văn hóa DN, muốn người lao động gắn bó hơn với công ty, đồng hành cùng công ty vượt qua khó khăn, các DN cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Theo khảo sát của Hiệp hội nhân sự HRA, có tới 60% DN cắt giảm ngân sách trong hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực ở giai đoạn này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là chính sách hết sức sai lầm của các DN. Càng khó khăn, DN càng phải có những giải pháp đào tạo thay thế để tiếp tục phát triển được năng lực chuyên môn cho những nhân sự đang làm việc mà vẫn đảm bảo chi phí tối ưu.

Ông Sơn cho rằng, phát triển năng lực nhân viên không chỉ đến từ lớp học. “Các DN cần phát triển văn hóa học. Có thể học qua trải nghiệm, làm dự án mới, qua người lãnh đạo… Các DN nên tổ chức các cuộc thảo luận chia sẻ trải nghiệm, cho nhân viên trực tiếp tham gia vào các dự án khác nhau… để họ học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm”, ông Phan Sơn tư vấn.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời điểm nhạy cảm này, nhiều nhân viên bị cho nghỉ việc sẽ ra đi với tâm thế không hài lòng, kèm theo những thông điệp không hay về công ty. Vì vậy, các DN nên có giải pháp để vẫn giữ được hình ảnh tốt trong lòng các nhân sự cũ, đảm bảo uy tín, không tạo ra khủng hoảng truyền thông không đáng có. Và quan trọng hơn, DN cần phải trung thực, chia sẻ thẳng thắn những khó khăn mà công ty đang gặp phải để người lao động hiểu và thông cảm.

Nguồn: Doanhnhansaigon

 

Các tin khác

  1. Căng Thẳng Đã Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Công Việc Của Nhân Viên?
  2. 30 Giây Giúp Bạn Khẳng Định Vị Thế Và Năng Lực Lãnh Đạo
  3. Làm Việc Thông Minh, Không Khó: 7 Lời Khuyên Cần Thiết Cho Doanh Nhân Bận Rộn
  4. 4 Điều Mà Các Nhà Tuyển Dụng Nên Làm Để Tuyển Dụng Nhân Viên Làm Việc Từ Xa
  5. Chữa Bệnh Lưỡng Lự Cho Nhân Viên
  6. 14 Cách Để Xây Dựng Một Kế Hoạch Truyền Thông Đến Nhân Viên Hiệu Quả
  7. Chuyên Gia Thương Hiệu Tuyển Dụng Dự Báo Hậu Đại Dịch
  8. 5 Điểm Tương Đồng Giữa Chơi Golf Và Lãnh Đạo Doanh Nghiệp
  9. Đừng Thuê Một Nhân Viên Kinh Doanh Mà Không Có Những Đặc Điểm Này
  10. Những Bài Học Đắt Giá Các Nhà Lãnh Đạo Nhân Sự Nên Học Hỏi Từ Covid - 19