Gặp phải sếp khó tính nên vui hay nên buồn? Thay vì trách móc hay ngồi than thở thì hãy tìm cho mình những phương án giải quyết ngay từ bây giờ.
Nhiều người cảm thấy quá mệt mỏi, căng thẳng với những đòi hỏi quá mức và đôi khi vô lý của sếp. Khi không tìm được tiếng nói chung hay hòa hợp được, họ tìm đến lối thoát bằng cách nghỉ việc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dù sếp khó tính, độc đoán hay chỉ đơn giản là không phù hợp với tính cách hoặc phong cách làm việc của bạn, những tính cách ấy có thể là những thứ dạy cho bạn biết được nhiều nhất.
Dưới đây là những bí kíp bỏ túi có giá trị bạn có thể học được từ vị sếp khó tính.
Nắm rõ nguyên tắc làm việc của sếp
Sự khó tính của sếp sẽ không có cơ hội được bộc lộ nếu như bạn làm việc theo nguyên tắc của họ. Ví dụ như nếu sếp bạn là một người nguyên tắc trong việc giờ giấc làm việc thì bạn hãy cố gắng đến đúng giờ hoặc sớm hơn. Nếu sếp là người thích gọn gàng sạch sẽ hãy giữ nơi làm việc thật chỉnh chu ngăn nắp…
Đừng dễ dàng đầu hàng trước sếp khó tính
Đừng dễ dàng hạ thấp giá trị của bản thân để xuôi theo những lời nói của sếp khó tính. Bạn hãy chủ động tìm cho mình những đối sách mềm mỏng để giải quyết những vấn đề giữa bạn và sếp đang vướng phải. Thay vì sếp nói gì bạn cũng gật gù nghe theo mặc đúng hay sai. Hãy dùng sự tự tin và lý lẽ của bản thân mà đáp trả lại một cách khéo léo. Đừng để sếp "Được đà lấn tới" vì bạn quá hiền lành và dễ bị bắt nạt. Tôn trọng sếp không có nghĩa là để họ có quyền nói những điều không đúng về mình.
Lắng nghe, ghi chép lại mọi trao đổi
Bất cứ khi nào sếp đưa ra điều gì hay vấn đề nào đó, thay vì tranh cãi kịch liệt với sếp bạn hãy im lặng lắng nghe. Sự lắng nghe của bạn sẽ khiến sếp cảm thấy thoải mái và hài lòng. Trong những lúc sếp dễ chịu như vậy, hãy khéo léo đưa ra quan điểm của bản thân. Sếp sẽ có cái nhìn thiện cảm về quan điểm của bạn hơn. Và hãy nhớ luôn ghi chép lại đầy đủ ý sếp trong quá trình trao đổi để sau này khi bạn hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng sếp lại thay đổi ý kiến đột ngột, thì cách ghi chép này sẽ giúp bạn không bị sếp bắt bẻ. Không phải lo sợ nhớ nhầm hoặc hiểu sai lời sếp nói.
Bình tĩnh khi bị sếp khiển trách
Bị sếp chửi mắng là thời điểm vô cùng nhạy cảm vì vậy bạn đừng cố " gân cổ tranh cãi" đến cùng. Trong trường hợp bạn tin chắc việc mình làm là đúng cũng đừng cố cãi thắng thua mà nên đợi đến lúc hai bên có thể cùng bình tĩnh ngồi trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác và xây dựng. Nếu bạn giữ được bình tĩnh trong những lúc dầu sôi lửa bỏng như vậy sẽ làm sếp tự nhìn lại thái độ của mình và biết đâu sẽ nhìn lại bản thân để điều chỉnh cảm xúc ôn hoà hơn.
Chủ động trong công việc
Thay vì phản đối ngầm sự khó tính của sếp bằng cách tỏ ra trì trệ, mà bạn hãy chứng tỏ năng lực của mình. Thái độ phản kháng chỉ khiến sếp có thêm thành kiến, trong khi sự cần cù chăm chỉ sẽ thuyết phục được bất cứ sếp khó tính nào. Chủ động cải thiện những khuyết điểm của mình mà không đợi sếp nhắc nhở cũng là một hành động giúp bạn ghi điểm đáng kể.
Đừng ngại đi tìm sếp mới
Khi bạn đã cố gắng chứng minh bản thân mình trong một thời gian dài nhưng tính cách của sếp gây cho bạn áp lực tâm lý quá lớn và không hiệu quả đến công việc thì hãy thử trao đổi thẳng thắn để hiểu rõ hơn lý do tại sao sếp lại làm vậy. Nếu sếp bạn vẫn cố cứng nhắc không chịu lắng nghe cấp dưới giải thích hoặc thái độ tồi tệ hơn trước thì đừng ngần ngại chuyển sang một môi trường làm việc khác lành mạnh hơn.
Với những bí kíp làm việc với sếp khó tính mà HR Insider chia sẻ trên. Mong rằng bạn đã tự tin hơn khi làm việc. Mọi vấn đề đều có cách giải quyết, thế nên đừng vội chán nản khi gặp phải sếp khó tính, hãy cứ tự tin và mạnh dạn đương đầu trước thử thách. Bởi, những người làm được việc lớn thường không để bản thân vướng phải những vấn đề nhỏ.