Ngộ nhận 1: Não bạn có màu xám
Ngộ nhận: Nếu được hỏi về màu sắc của bộ não, chắc hẳn nhiều người sẽ trả lời nó là màu xám. Điều ngộ nhận này có vẻ xuất phát từ hình ảnh những những bộ não màu xám trong các lọ dung dịch bảo quản mà bạn thấy trong phim ảnh hay những chương trình khoa học trên truyền hình. Hoặc cũng có thể do người ta thường lấy hình ảnh “chất xám” để ẩn dụ cho trí thông minh.
Sự thật: Não còn sống, hoạt động trong hộp sọ của bạn có màu trắng, đen, đỏ và xám. Ngoài chất xám, bộ não bạn còn chứa lượng lớn các chất trắng, bao gồm cả các dây thần kinh mà kết nối chất xám. Các thành phần màu đen (do có chứa sắc tố neuromelanin) được gọi là substantia nigra-có nghĩa là chất đen. Còn màu đỏ là do hệ thống các mạch máu chằng chịt trong não. Sở dĩ bộ não bảo quản trong các lọ dung dịch ở phòng thí nghiệm có màu xám là do tác động của các chất bảo quản formaldehyde.
Ngộ nhận 2: Nghe nhạc Mozart làm bạn thông minh hơn
Ngộ nhận: Vào những năm 1950, một bác sĩ tai mũi họng tên là Albert Tomatis đã khởi đầu xu hướng này, ông tuyên bố đã thành công trong việc sử dụng âm nhạc của Mozart để hỗ trợ điều trị những người bị rối loạn lời nói và rối loạn thính giác. Trong những năm 1990, 36 học sinh tham gia một nghiên cứu tại Đại học California ở Irvine đã nghe một bản sonata của Mozart trong vòng 10 phút trước khi kiểm tra IQ. Theo Tiến sĩ Gordon Shaw, nhà tâm lý học phụ trách nghiên cứu, chỉ số IQ của học sinh đã tăng thêm khoảng 8 điểm.
Sự thật: Ngay từ bạn đầu, nghiên cứu của Đại học California ở Irvine đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Tiến sĩ Frances Rauscher, một trong những người đã tham gia vào cuộc nghiên cứu, nói rằng họ không bao giờ tuyên bố nó thực sự làm bất cứ ai thông minh hơn, nó chỉ làm tăng hiệu suất trên các nhiệm vụ không gian-thời gian nhất định. Các nhà khoa học khác đã không thể nhân rộng các kết quả ban đầu, và hiện nay chưa có bất kỳ thông tin khoa học nào chứng minh rằng lắng nghe Mozart, hoặc bất kỳ âm nhạc cổ điển khác, thực sự làm cho bất cứ ai thông minh hơn.
Ngộ nhận 3: Khi bạn học hỏi thứ gì mới, bộ não sẽ tạo ra nếp nhăn
Ngộ nhận: Nhiều người tin rằng khi bạn học một thứ gì đó, bộ não của bạn sẽ hình thành những nếp nhăn và vết hằn để lưu trữ thông tin mới. Bạn lặp đi lặp lại các kiến thức hoặc kỹ năng càng nhiều thi những vết hằn này càng sâu.
Sự thật: Trong giai đoạn sớm của bào thai, bộ não rất trơn tru. Khi thai nhi phát triển, các tế bào thần kinh cũng phát triển và di chuyển đến các vị trí khác nhau của bộ não, tạo thành các rãnh và các nếp gấp Gyri. Khi đạt tới 40 tuần tuổi, não của thai nhi đã có được những nếp nhăn y hệt như người trưởng thành. Như vậy những nếp nhăn là do bẩm sinh và không phải đạt được thông qua học tập. Mặc dù bô não cũng sẽ có một số thay đổi khi chúng ta học tập, nhưng nó không bao giờ tạo ra thêm những nếp nhăn.
Ngộ nhận 4: Uống rượu làm chết tế bào não
Ngộ nhận: Nhiều người cho rằng, mỗi lần bạn uống rượu, sẽ có một lượng lớn các tế bào não bị giết đi.
Sự thật: Uống rượu có thể khiến bạn bị suy giảm nhận thức tạm thời nhưng nó không trực tiếp giết chết các tế bào não. Tuy nhiên nó lại ảnh hưởng đến điểm cuối của các tế bào thần kinh, hay còn gọi là sợi nhánh. Các tế bào thần kinh không bị hư hỏng nhưng cách nó giao tiếp với các tế bào thần kinh khác bị thay đổi. Người nghiện rượu có thể phát triển một rối loạn thần kinh được gọi là hội chứng Wernicke-Korsakoff, mà có thể dẫn đến một sự mất mát của các tế bào thần kinh trong một số phần của bộ não. Tuy nhiên sự mất mát đó không phải do ảnh hưởng trực tiếp của rượu mà là kết quả của sự thiếu hụt thiamine xảy ra ở người nghiện rượu (Tiêu thụ quá nhiều rượu sẽ làm giảm sự hấp thu thiamine của cơ thể).
Ngộ nhận 5: Bạn chỉ sử dụng 10% của bộ não.
Ngộ nhận: Đây là có lẽ là một trong những niềm tin sai lầm phổ biến nhất trong quần chúng. Ngộ nhận này có nguồn gốc từ đâu? Nhiều nguồn trỏ đến một nhà tâm lý học người Mỹ vào đầu những năm 1900 có tên là William James, người đã nói rằng "Những người bình thường hiếm khi đạt được nhưng một phần nhỏ tiềm năng của mình". Nhưng không hiểu bằng cách nào, lời nhận xét này lại bị iến tấu thành chúng ta chỉ sử dụng chưa tới 10% của bộ não.
Sự thật: Tất cả các phần của bộ não đều được liên tục sử dụng. Bất cứ một tổn thương nhỏ nào tại bất kỳ bộ phận nào của não cũng có thể khiến chúng ta trở thành người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hoặc rối loạn thần kinh. Vì vậy không có cách nào mà chúng ta có thể hoạt động bình thường chỉ với 10% bộ não. Các nghiên cứu quét não đã chỉ ra rằng cho dù chúng ta đang làm gì, não của chúng ta luôn luôn hoạt động. Tại mỗi thời điẻm, một số khu vực có nhiều hoạt động hơn một số khu vực khác, nhưng trừ khi chúng ta bị tổn thương não, không có phần nào của bộ não mà hoàn toàn không hoạt động.
Ngộ nhận 6: Não trái logic, não phải sáng tạo.
Ngộ nhận: Nhiều người có một niềm tin ngớ ngẩn rằng tất cả các hoạt động liên quan đến suy luận, logic, lý trí do não trái chi phối trong khi các hoạt động liên quan tới tưởng tượng, sáng tạo, tình cảm, trưc giác do não phải chi phối. Thậm chí một số kẻ còn lợi dụng niềm tin sai lầm này của quần chúng để quảng cáo cho các khóa học hoặc viết thành sách đem bán.
Sự thật: Các nghiên cứu quét não đã cho thấy bất cứ hoạt động nào của não (dù là suy luận hay tưởng tượng) đều cần tới sự kết nối của nhiều khu vực khác nhau ở cả hai bán cầu não, và bất cứ thiệt hại trên bán cầu nào của não cũng sẽ làm suy giảm chức năng của bộ não, cho dù chức năng đó là suy luận hay tưởng tượng. Trong một nghiên cứu kéo dài hai năm mới được công bố trên tạp chí PLoS ONE, các nhà nghiên cứu của Đại học Utah đã quét não của hơn 1000 người, tuổi từ 7-29, trong khi họ đang nằm lặng lẽ hoặc đọc, đo chức năng các bộ phận của não nhưng đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc mạng lưới não trái hay não phải mạnh hơn phía còn lại.
Các nhà nghiên cứu cho rằng quan niệm mê tín não trái não phải có thể gây tổn hại đến quá trình học tập và lựa chọn sự nghiệp của bạn, ví dụ một cô bé 12 tuổi sau khi làm một bài kiểm tra tính cách trên mạng và cho ra kết quả “não phải” đã quyết định không học môn toán nữa vì cho rằng mình không có năng khiếu với các con số.