8 câu hỏi trước khi quyết định chuyển nghề

Việc thay đổi nghề nghiệp có thể sẽ là một hướng đi mới mang lại nhiều lợi ích cho bạn, nhưng chắc chắn đó là một việc không dễ dàng, nhất là lần đầu tiên thực hiện. Liệu bạn đã sẵn sàng cho việc thay đổi này? Hãy trả lời 8 câu hỏi sau đây:

Bạn đã lập sẵn một kế hoạch chưa?

Cho đến nay, sai lầm phổ biến nhất của các ứng viên mắc phải khi chuyển nghề là không hoạch định trước. Chuyển nghề không đơn giản như bạn nghĩ! Để mọi việc diễn ra suôn sẻ, bạn cần có một kế hoạch chi tiết và khoa học ngay từ đầu, từ việc nghiên cứu về ngành nghề bạn muốn chuyển, đến các bước tiến hành, nguồn tài chính cần thiết, kế hoạch dự phòng v.v...

Bạn chuyển nghề vì ghét công việc hiện tại?

Nhiều người muốn chuyển nghề vì cảm thấy căm ghét công việc hiện tại. Hãy cẩn thận! Đừng nhầm lẫn giữa việc ghét công việc hiện tại với ghét nghề của bạn. Bạn có thể chỉ có vấn đề với công ty hiện tại, hoặc là bạn chỉ chán tạm thời thôi.

Chỉ khi nào bạn suy nghĩ thấu đáo và cảm thấy mình thật sự cần phải chuyển nghề thì mới hãy bắt tay vào hành động.

Bạn chuyển nghề để kiếm nhiều tiền hơn?

Kiếm nhiều tiền hơn thường không phải là một lý do hợp lý để chuyển nghề. Nhiều nghề nghiệp thật sự có mức lương và phúc lợi rất hấp dẫn nên thu hút được một nguồn nhân lực lớn. Tuy nhiên, bạn đừng quên “Tiền bạc không mua được hạnh phúc”. Đa số những người chuyển nghề chỉ để kiếm được nhiều tiền cuối cùng nhận ra rằng họ không hạnh phúc với nghề mới so với nghề cũ.

Bạn chuyển nghề do tác động của người khác?

Chuyển nghề do sức ép của chồng (vợ) hay ba mẹ là một việc rất tai hại. Làm sao bạn có thể cảm thấy hạnh phúc khi hàng ngày phải làm một công việc bạn không thích và chọn nó chỉ vì người khác ép bạn phải làm? Chắc chắn bạn sẽ không trụ được lâu với nghề. Thậm chí, bạn có thể sẽ cảm thấy căm ghét người đã ép bạn phải chuyển nghề.

Bạn đang “đơn thương độc mã”?

Một khi đã quyết định chuyển nghề, bạn nên tìm kiếm càng nhiều thông tin về lĩnh vực mà bạn quan tâm càng tốt. Từ đó bạn có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực đó và có thể đưa ra quyết định chuyển nghề đúng đắn. Ngoài thông tin có thể tìm thấy trên mạng hay báo chí, bạn có thể tạo dựng mối quan hệ với những người đang làm trong ngành. Họ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chính xác và những lời khuyên thực tế. "Đừng bao giờ đi ăn một mình" - đừng ngại chia sẻ kế hoạch nghề nghiệp mới của bạn với những người xung quanh, biết đâu một công việc mới tốt hơn lại đến từ những mối quan hệ này.

Bạn chuyển nghề vì không biết cơ hội nghề nghiệp nào khác trong cùng ngành?

Bạn đừng bao giờ bắt tay vào làm một nghề mới khi chưa suy xét tất cả cơ hội nghề nghiệp hiện có trong ngành hiện tại của bạn. Có thể bạn nghĩ rằng bạn biết rõ mình muốn làm nghề gì, nhưng nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả nghề nghiệp, bạn vẫn có thể mắc sai lầm. Hãy nói chuyện với những người làm những nghề khác nhau, nghiên cứu thông tin về các ngành nghề trong xã hội và có thể gặp một cố vấn nghề nghiệp trước khi bạn ra quyết định chuyển nghề. Bạn càng hiểu biết nhiều về các ngành nghề thì xác suất bạn cảm thấy hài lòng với nghề mới sẽ càng cao hơn.

Bạn đã tự lượng đúng sức mình chưa?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của việc chuyển nghề là đánh giá đúng sở thích, kỹ năng, giá trị và mối quan tâm của bạn. Chuyển nghề mà không tự lượng đúng sức mình có thể khiến bạn chọn phải một nghề mà thật ra cũng không khá hơn so với nghề cũ. Hiểu mình là ai và mình thật sự thích làm việc gì sẽ giúp bạn có một quyết định chuyển nghề hợp lý, làm bạn thỏa mãn.

Bạn đã chuẩn bị các kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết chưa?

Chuyển sang một nghề mới mà thiếu những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến nghề đó có thể là một sai lầm lớn. Để chuyển nghề thành công, bạn phải tìm cách chuyển những kỹ năng bạn đã rèn luyện trong nghề hiện tại sang nghề mới (thường là những kỹ năng như lãnh đạo, giao tiếp). Nếu kỹ năng hiện tại của bạn không chuyển được thì bạn cần phải tự tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm phù hợp với nghề mới. Để làm việc này, trước khi bạn rời bỏ nghề hiện tại và sau khi đã chọn được nghề mới, bạn hãy tìm hiểu bạn cần những kỹ năng nào để thành công. Sau đó, bạn hãy tìm kiếm những khóa học hay bằng cấp nào có thể gia tăng năng lực của bạn. Nếu có cơ hội, bạn nên thực tập trong nghề mới trước khi rời bỏ nghề cũ.

Nguồn: YBOX
  1. Chia sẻ  

Xem các tin khác

  1. 13 kiểu sinh viên dễ thất nghiệp sau khi tốt nghiệp
  2. “Em đề nghị mức lương bao nhiêu?”
  3. Làm đẹp CV khi bạn thiếu kinh nghiệm
  4. Hai “tính xấu” này có thể giúp bạn thành công trong sự nghiệp
  5. 5 cách đơn giản giúp bạn làm việc thông minh hơn
  6. Các Font chữ nên và không nên dùng khi viết CV
  7. Chọn việc: Top 7 sai lầm phổ biến
  8. Tôi là một người hướng nội. Tôi phát huy thế mạnh như thế nào trong công việc?
  9. 7 thói quen giúp dẹp bỏ nỗi lo lắng
  10. Những điều kiêng kỵ không nên nói với Sếp

Tìm công việc mơ ước