Trong khi mọi người có xu hướng nghĩ rằng đánh giá tính cách là dựa vào nội dung của cuộc đối thoại hay những hành vi rõ ràng khác thì ngược lại, các nhà nghiên cứu nói rằng phần lớn những đánh giá dựa trên những điều nhỏ nhặt hơn như một cái bắt tay hay ngôn ngữ hình thể. Chúng ta thường đánh giá về một con người dựa trên những hành động như thế.
Những hành động vô thức của chúng ta có đều có ngôn ngữ của riêng nó và chúng không phải luôn luôn tốt đẹp. Những hành động này giống như phần bản năng của mỗi người và nếu bạn không dành nhiều thời gian để thật sự nghĩ về chúng thì ngay bây giờ hãy bắt đầu đi, vì chúng có thể làm ảnh hưởng xấu đến bạn trong công việc đấy.
1. Cách bạn đối xử với bồi bàn và tiếp tân.
Cách bạn đối xử với nhân viên phục vụ phần nào thể hiện bản thân của mình nên nó trở thành một thước đo khi phỏng vấn. Bằng cách đánh giá cách bạn đối xử với nhân viên phục vụ như thế nào lúc bạn bước vào hay đi ra khỏi công ty, nhà tuyển dụng sẽ từ đó mà suy ra được cách bạn đối xử với mọi người hàng ngày. Hầu hết mọi người “diễn” rất nhiều khi nói chuyện với nhà tuyển dụng hay những người “quan trọng” khác, nhưng lại thay đổi 180 độ ngay khi bước ra khỏi cửa, không đếm xỉa tới những người khác. Bữa trưa văn phòng cũng là nơi thể hiệu điều này rất rõ. Bất kể bạn đối xử tốt như thế nào với người ăn chung với bạn, mọi thứ sẽ sụp đổ nếu mọi người thấy bạn cư xử tệ với những người khác.
2. Bạn có thường xuyên kiểm tra điện thoại không?
Không có gì gây bực bội hơn người đối diện lấy điện thoại ra xem khi đang nói chuyện. Hành động này cho thấy sự thiếu tôn trọng, thiếu chú ý, thiếu kỹ năng lắng nghe và cả khả năng kiểm soát. Trừ khi việc đó quá khẩn cấp, tốt nhất là nên để điện thoại yên lặng. Một nghiên cứu từ Đại học Elon xác nhận rằng dùng điện thoại trong cuộc nói chuyện sẽ làm giảm cả chất lượng và số lượng của những tương tác mặt đối mặt.
3. Những thói quen khi căng thẳng và lặp đi lặp lại.
Sờ vào tay hay mặt hay liên tục véo da thường thể hiện rằng bạn đang lo lắng, quá tải và không kiểm soát được. Nghiên cứu từ Đại học Michigan đề nghị rằng những thói quen lo lắng này xuất hiện ở những người có tính cầu toàn và những người cầu toàn thì thường vô thức làm theo những thói quen này khi họ bực bội hay chán nản.
4. Bạn mất bao lâu để đặt câu hỏi?
Bạn đã bao giờ nói chuyện với ai mà họ cứ nói về bản thân suốt không? Những người chỉ nói về bản thân họ thường là người ồn ào và chỉ quan tâm đến bản thân. Những người chỉ hỏi và chia sẻ rất ít về bản thân thì thường là người yên lặng và khiêm tốn. Còn những người cân bằng được giữa việc “cho” và “nhận” là những người thật sự có khả năng giao tiếp và làm chủ cuộc nói chuyện.
5. Cái bắt tay của bạn.
Ta thường thấy mọi người có những cái bắt tay yếu ớt, rất thiếu tự tin cùng với một dáng điệu “ủy mị”. Một nghiên cứu từ Đại học Alabama cho thấy rằng dù rằng khó mà có thể kết luận khả năng của một người chỉ dựa trên cái bắt tay của họ, bạn vẫn có thể phần nào đoán được tính cách của họ. Cụ thể hơn thì nghiên cứu chỉ rằng một cái bắt tay chắc chắn đồng nghĩa với việc bớt ngại ngùng và cởi mở hơn.
6. Sự chậm trễ.
Đến trễ sẽ làm mọi người nghĩ rằng bạn thiếu tôn trọng và có xu hướng trì hoãn cũng như lười biếng và thiếu chú tâm. Ngược lại với những ý kiến trên, một nghiên cứu cho thấy sự chậm trễ thường thấy ở những người phải làm cùng lúc nhiều việc hoặc quá rảnh rỗi, tính cách loại B. Những người tính cách này thường chậm trễ vì họ trải nghiệm thời gian chậm hơn hầu hết chúng ta. Vấn đề ở đây là đừng để ý quá vào bản thân những người hay đến trễ mà tốt nhất hãy xem vấn đề gì dẫn đến sự chậm trễ đấy.
7. Chữ viết tay.
Có những định kiến sai lầm về việc kết luận tính cách từ chữ viết. Ví dụ, mọi người tin rằng mức độ đè bút lên giấy của bạn thể hiện mức độ giận dữ của bạn; hay độ nghiêng của chữ viết thể hiện mức độ hướng nội hay hướng ngoại và sự khéo léo trong chữ viết thể hiện xu hướng ngăn nắp. Nghiên cứu không có khẳng định rõ ràng nào về mối liên quan giữa chữ viết và tính cách. Vì vậy, nếu bạn có một bức thư quan trọng phải viết, tốt nhất bạn nên giữ mọi thứ ở mức vừa phải.
8. Tiếp xúc mắt
Chìa khóa của việc tiếp xúc mắt chính là sự cân bằng. Việc giữ tiếp xúc mắt rất quan trọng, nhưng nếu liên tục như vậy sẽ được cho là hung hăng và có phần đáng sợ. Cùng lúc đó, nếu bạn ít giao tiếp bằng mắt với người đối diện, bạn sẽ được cho là thiếu hứng thú, rụt rè hay xấu hổ. Nghiên cứu cho thấy giữ tiếp xúc mắt trong khoảng 60% cuộc nói chuyện là cân bằng và bạn sẽ được đánh giá là thân thiện, đầy hứng thú và đáng tin cậy.
Nguồn: Careerexperts
Dịch và biên soạn: Findjobs.vn