Cuộc sống vốn không bằng phẳng. Trong công việc cũng vậy, chúng ta chẳng thể chọn những công việc nhẹ nhàng, để rồi vượt qua nó một cách dễ dàng. Đôi lúc chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thất bại mặc dù chẳng biết nó từ đâu tới và kết thúc như thế nào.
Nếu bạn gặp thất bại trong công việc, trước tiên bạn phải tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn thất bại. Đó là cách để bạn khắc phục những thiếu sót, sai lầm của mình và không vấp phải nó một lần nữa trong công việc. Trên thực tế, có không ít người thất bại trong công việc mà không biết lý do tại sao và họ luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Đó chỉ là sự chống chế vô căn cứ. Bạn hãy nhớ rằng, đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kì ai về sự thất bại của mình. Vì bạn sẽ không học hỏi được gì từ những sai lầm đó. Phải biết chấp nhận thất bại để đi lên từ nó, xem nó là một bài học quý cho bản thân. Sai lầm là vô giá, hãy nghiên cứu chúng, học hỏi và tận dụng chúng, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Dưới đây chính là những điều rất có thể đã khiến bạn thất bại:
1. Thiếu tự tin
Bạn là người thông minh có năng lực, nhưng ngay sau khi được thăng tiến lại không tự tin vào chính mình. Bạn luôn cảm thấy lo lắng khi bản thân đứng ở vị trí cao. Điều này chính là nguyên nhân khiến bạn khó tiến xa trong sự nghiệp.
2. Không linh hoạt
Dưới con mắt của bạn mọi việc luôn cần làm sáng tỏ đúng với sự thật vốn có, giống như bài kiểm tra cần có một đáp án chính xác, theo đúng nguyên tắc và quan niệm đúng đắn. Hãy nhớ rằng không phải ai cũng có ý nghĩ như vậy, điều này sẽ khiến bạn có cảm giác mình bị cô lập.
Đừng quá nguyên tắc khi giải quyết công việc vì bạn sẽ có thể bị cô lập vì sự cứng nhắc của mình.
3. Ngại va chạm, xung đột
Thông thường bạn sẽ tìm mọi cách để tránh gây xung đột và cạnh tranh. Thực tế sự bất đồng đôi khi sẽ tạo ra sự năng động và sáng tạo trong công việc.
4. Quá cứng rắn
Bạn là người lý trí luôn giải quyết công việc một cách dứt khoát. Song với cá tính quá mạnh mẽ và mong muốn thành công với bất cứ giá nào, cộng với sự thiếu khéo léo trong giao tiếp là nguyên nhân chính gây cản trở con đường đi đến thành công của bạn.
5. Khó kiềm chế cảm xúc cá nhân
Bạn là mẫu người theo chủ nghĩa bi quan, thích được người khác an ủi. Trước khi làm bất cứ điều gì, bạn luôn tưởng tượng ra mặt trái của sự việc và tự thấy lo lắng. Tâm lý này khiến bạn không thể đảm nhiệm những trọng trách lớn tại nơi làm việc. Do đó, bạn cần rèn luyện khả năng khống chế sự lo lắng, tự ti của bản thân để có thêm động lực trong quá trình làm việc.
6. Không cân nhắc trước mọi việc
Trường hợp khác, nhiều người do quá hấp tấp, nóng vội cũng mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Vì vậy, đứng trước mọi việc, bạn cần tỉnh táo để tìm cho mình con đường đúng đắn nhất. Hãy tìm hiểu kỹ mọi việc rồi mới đi đến quyết định. Bạn không nên bỏ qua bất kì điều gì dù là nhỏ nhất. Hãy lấy thất bại lần trước để nhắc nhở mình phải luôn thận trọng.
7. Thiếu thận trọng khi phát ngôn
Điều này thực sự quan trọng nếu bạn làm việc trong môi trường văn phòng. Bởi sự lỡ miệng rất có thể sẽ sớm “chấm dứt” sự nghiệp của bạn. Bạn cần đưa ra sự cảnh báo cho bản thân mình những việc nào có thể nói, việc gì không nên.
8. Mất động lực khi đã phạm sai lầm
Khi thất bại, thay vì chán chường bỏ mặc tất cả, bạn nên đối diện với nó để từ đó tìm ra cách giải quyết vấn đề. Bạn nên thừa nhận và chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình trước sếp và các đồng nghiệp liên quan. Hãy thừa nhận thất bại và thiếu sót của mình một cách thẳng thắn và chân thành nhất. Sau này, nếu đồng nghiệp của bạn có khêu lại những sai lầm trước đó, bạn chỉ nên mỉm cười và đừng thanh minh gì cả.