Tôi từng đọc CV của một bạn ứng tuyển vào làm mảng content. Trong CV, bạn ghi mục tiêu là trở thành giáo viên tiếng Anh, còn kinh nghiệm lại là mảng sales và logistics. Tôi không hiểu lý do gì đã khiến bạn ấy ứng tuyển vào làm content marketing trong khi mục tiêu và kinh nghiệm của bạn hoàn toàn không phù hợp.
Khi chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển, hãy luôn nhớ rằng bạn đang thuyết phục nhà tuyển dụng. Đừng nghĩ rằng hồ sơ chỉ là thứ nộp cho có, để nhà tuyển dụng biết rằng bạn tồn tại và chủ động liên lạc lại cho bạn để tìm hiểu thêm. Như trong trường hợp này, tôi đã không liên lạc lại với ứng viên để hỏi tại sao họ lại muốn ứng tuyển cho vị trí content marketing, một công việc ứng viên chưa từng làm qua hay có mong muốn làm. Tôi chỉ đơn giản là xóa hồ sơ của ứng viên đó khỏi máy tính.
Có rất nhiều yếu tố làm cho CV – hồ sơ xin việc của bạn thiếu chuyên nghiệp và không nhận được sự chú ý của các nhà tuyển dụng – những người đôi khi chỉ dành 30 giây để duyệt hồ sơ của bạn. Dưới đây là 9 điều bạn nên loại bỏ khỏi CV của mình.
- Mục tiêu của bạn (Objective)
Tất nhiên nhà tuyển dụng muốn biết mục tiêu trong sự nghiệp của bạn là gì. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn dành nhiều tâm sức để viết phần này thật hay và ấn tượng. Nếu không, phần mục tiêu sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn trong việc thu hút nhà tuyển dụng, mà còn làm cho hồ sơ xin việc của bạn dài dòng thêm.
- Những công việc ngắn hạn
Những công việc trong thời gian ngắn sẽ làm nhà tuyển dụng lưu tâm về bạn. Họ sẽ tự hỏi “Tại sao bạn lại làm việc đó trong thời gian ngắn như vậy, có phải bạn bị sa thải hoặc gặp rắc rối với đồng nghiệp?”. Thêm vào đó, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi làm việc, bạn không thể cho thấy bất kỳ thành tích hay sự thăng tiến nào.
Một ngoại lệ cho quy tắc này là bạn vẫn có thể liệt kê nếu đó là công việc có thời gian giới hạn, ví dụ như làm việc theo hợp đồng hoặc dự án. Khi đó, bạn nên có lời giải thích hợp lý, nếu bạn không muốn bị đánh giá về khả năng hoặc mức độ gắn bó trong công việc.
- Trình bày không chuyên nghiệp
Nhiều nhà tuyển dụng không hài lòng về những hồ sơ xin việc liệt kê những kỹ năng và công việc không theo trình tự thời gian rõ ràng. Những điều này sẽ thể hiện bạn đang cố tình che giấu sự hạn chế trong kinh nghiệm hoặc những khoảng trống trong lịch sử làm việc của bạn. Đối với hầu hết các nhà tuyển dụng, một CV như trên sẽ nhận được “thẻ đỏ” ngay lập tức.
- Thiết kế lạ mắt
Đây là những gì hầu hết các nhà tuyển dụng nghĩ đến khi nhìn thấy một hồ sơ xin việc với một thiết kế khác thường hoặc màu sắc lòe loẹt: “Ứng viên này nghĩ rằng kỹ năng và thành tích của họ không quan trọng bằng hình thức? Người này không hiểu những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm? Ứng viên đang cố gắng gây ấn tượng một cách không cần thiết?”.
Rõ ràng là điều này thật sự không thích hợp cho những công việc đòi hỏi sự nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu bạn đang nộp đơn vào công việc thiết kế hoặc marketing thì một chút sáng tạo cũng không thành vấn đề.
- Nhận xét chủ quan
Hồ sơ xin việc của bạn là dành để cho nhà tuyển dụng thấy kinh nghiệm, khả năng và thành tựu của bạn. CV không phải là nơi dành cho những nhận định chủ quan, chẳng hạn như: “kỹ năng lãnh đạo tuyệt vời” hay “kỹ năng sáng tạo rất tốt.” Nhà tuyển dụng không đánh giá cao những nhận xét chủ quan của ứng viên tự viết về bản thân mình. CV của bạn nên thể hiện những gì thật khách quan sẽ cho thấy bạn là người chuyên nghiệp.
- Những hoạt động ở trường
Nếu bạn đã có một hoặc nhiều năm kinh nghiệm, nhà tuyển dụng không quan tâm đến những việc bạn đã làm trong lúc học trung học hoặc đại học, chẳng hạn như tham gia sự kiện hoặc công việc tình nguyện. Hãy tóm gọn hoặc loại bỏ những thông tin về các hoạt động không cần thiết.
- Quá nhiều trang
Nếu bạn mới tốt nghiệp hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm, CV của bạn chỉ nên trình bày trên 1 trang. Nếu bạn đã có kinh nghiệm, bạn có thể thiết kế CV trong 2 trang. Nhà tuyển dụng lúc đầu chỉ có thể dành thời gian khoảng 20 hoặc 30 giây để lướt qua CV của bạn, vì vậy quá nhiều trang sẽ làm hồ sơ của bạn dài dòng và ít thu hút.
- Mức lương của bạn
Hồ sơ xin việc thường không bao gồm mức lương hiện tại của bạn. Và bằng cách thêm vào mức lương trong CV, bạn đã chia sẻ thông tin bất lợi cho việc đàm phán lương của bạn sau này.
- Thông tin tham khảo
Dĩ nhiên, phần này không gây ra điều gì bất lợi cho bạn, nhất là khi bạn có thể đem đến cho nhà tuyển dụng những thông tin tốt về mình. Nhưng việc đề cập quá nhiều thông tin tham khảo làm sẽ chiếm nhiều không gian, mà đôi khi bạn có thể dùng để trình bày những thông tin khác hiệu quả hơn.