9 tố chất vàng của nhân viên dự án khởi nghiệp

Dựa vào kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing và niềm đam mê đối với các dự án khởi nghiệp làm thay đổi sản phẩm/dịch vụ truyền thống, tác giả Jeff Jones đã đăng tải những quan điểm cá nhân của mình về vấn đề tuyển dụng nhân sự cho các dự án khởi nghiệp trên trang Tech in Asia.

Theo Jeff Jones, những ứng viên muốn làm việc cho một dự án khởi nghiệp phải sở hữu 9 tố chất sau:

1. Tập trung vào khách hàng

Đây là tố chất cần thiết nhất của nhân viên một dự án khởi nghiệp. Bởi vì việc không tập trung vào nhu cầu và mong đợi của khách hàng chính là con đường ngắn nhất dẫn đến thất bại.

Tố chất này được thể hiện thông qua việc ưu tiên tìm hiểu về nhu cầu, mong muốn của khách hàng, tâm huyết với việc phục vụ khách hàng và không ngừng đầu tư vào việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với khách hàng.

2. Đáng tin cậy và có trách nhiệm

Trong dự án của mình, nhà khởi nghiệp và nhân viên phải kề vai sát cánh cùng nhau trong một khoảng thời gian rất dài. Vì vậy, điều quan trọng là phải có sự tin tưởng lẫn nhau.

Bên cạnh đó, những người đồng hành với nhà khởi nghiệp cũng phải có khả năng bảo mật thông tin, thừa nhận sai lầm (và học hỏi từ sai lầm) và làm việc trên tinh thần có lợi cho tập thể chứ không phải đi tìm vinh quang cá nhân.

3. Biết cách cân bằng công việc và cuộc sống

Làm việc cho một dự án khởi nghiệp đòi hỏi cả đội ngũ phải hy sinh rất nhiều thời gian, công sức. Làm việc liên tục đến tận 3 giờ sáng là việc khó tránh khỏi, và tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc sau này của cả đội ngũ.

Nhân viên biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ sở hữu tinh thần làm việc tốt và đem lại năng suất cao cho cả đội ngũ.

4. Ham học hỏi điều mới

Khả năng học hỏi những kỹ năng mới, cởi mở để thay đổi và say mê với việc thử nghiệm chính là tố chất cần thiết đối với người làm việc cho dự án khởi nghiệp. Khi không biết một khái niệm hoặc không hiểu một vấn đề, họ phải tự mày mò nghiên cứu hoặc chủ động tìm kiếm sự hướng dẫn.

5. Kiên trì

Kiên trì là chìa khóa quan trọng để khởi nghiệp thành công. Tìm được ứng viên sở hữu tố chất này sẽ giúp bạn đỡ “đau đầu” trong những tình huống khó khăn có thể xảy đến như: Khách hàng tiềm năng không ký hợp đồng, ban lãnh đạo buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc tiền lương…

6. Có khả năng tự trau dồi

Những dự án khởi nghiệp luôn cần có một đội ngũ nhân viên biết được điểm mạnh của mình để phát huy cũng như điểm yếu để yêu cầu được giúp đỡ. Những người có tố chất này sẽ luôn nhận thức được sai lầm của bản thân và biết cách tiếp nhận những góp ý mang tính xây dựng.

7. Biết cách quản lý và ước lượng công việc

Nhân viên của dự án khởi nghiệp phải biết cách cân đo đong đếm khối lượng công việc để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao một cách kịp thời. Bên cạnh đó, họ còn phải là người giỏi quản lý công việc để tự thiết lập mục tiêu cho mình và thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi tiến độ cho người quản lý.

8. Bình tĩnh khi gặp thử thách

Làm việc cho một dự án khởi nghiệp là phải chấp nhận thường xuyên đối mặt với áp lực. Trình bày dự án để thuyết phục nhà đầu tư, họp với ban lãnh đạo, gọi điện bán hàng, xử lý khi website bị trục trặc lúc nửa đêm, làm việc với các deadline nối tiếp nhau liên tục… là những công việc thường trực của cả đội ngũ dự án khởi nghiệp.

Vì vậy, nếu không có khả năng giữ bình tĩnh để xử lý các tình huống xấu thường xuyên xảy ra, bạn sẽ khó thể thành công khi làm việc trong môi trường khởi nghiệp.

9. Chấp nhận thay đổi một cách linh hoạt

Nói một cách đơn giản, khởi nghiệp là tổng hòa của sự thay đổi, sự không chắc chắn, sự quyết định vẫn còn mang tính nghi vấn và rất nhiều những điều vẫn còn khá mơ hồ khác. Dù mục tiêu đã được xác định rõ ràng ngay từ đầu nhưng trong quá trình làm việc, rất nhiều thứ sẽ bị “chuyển hướng”.

Do đó, nhân viên dự án khởi nghiệp phải có khả năng đối phó với những thay đổi trong quá trình làm việc và ứng biến với các tình huống đó một cách linh hoạt.

“Hãy để lại phản hồi nếu bạn không đồng ý với 9 tố chất cần có của một nhân viên dự án khởi nghiệp mà tôi đã liệt kê phía trên, hoặc nếu bạn nghĩ rằng có một hoặc nhiều tố chất khác còn quan trọng hơn”. Đây là mong muốn của tác giả bài viết - Jeff Jones. Và nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể làm điều đó.

 

Nguồn: doanhnhansaigon.vn

  1. Chia sẻ  

Xem các tin khác

  1. Công khai mức lương có ảnh hưởng đến chiến lược nhân sự?
  2. Hơn 50% nhân viên không hài lòng với mức lương hiện tại
  3. Để ứng phó với câu hỏi khó
  4. Bạn đã hoạch định chiến lược nghề nghiệp chưa?
  5. Để thương lượng mức lương thỏa đáng
  6. 6 cách giúp bạn rèn luyện tư duy sáng tạo
  7. 10 cách tạo sự khác biệt với hồ sơ online
  8. Sai lầm cần tránh khi thay đổi nghề nghiệp
  9. Trắc nghiệm tính cách theo thuyết DISC
  10. Chuyện nhà Rùa

Tìm công việc mơ ước