Bạn có thể chạm mặt sếp, hay thậm chí là sếp của sếp, ở bất cứ nơi đâu. Đây là cách để bạn có sẵn một câu chuyện dành cho những lúc phải ở chung một thang máy.
Việc chạm mặt một người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp của bạn không phải là chuyện hiếm hoi, và họ có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu. Bạn có thể gặp phải sếp của sếp mình, CEO của công ty, hay một khách hàng quan trọng.
Vậy bạn sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào? Suy cho cùng thì bạn không có nhiều thời gian – chỉ tầm 45 giây thôi.
Khi gặp phải tình huống như vậy, bạn rất dễ trở nên bối rối. Nhưng nếu chuẩn bị kỹ càng từ trước, bạn có thể biến cơ hội này trở thành một cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa. Sau đây là những bước để bạn chuẩn bị “câu chuyện thang máy” của mình.
Bước 1: Chuẩn bị trước
Giả sử như bạn thật sự gặp phải tình huống này, khả năng rất cao là lúc đó bạn sẽ không thể nói lên lời nào. Bạn có thể giảm bớt khả năng này lại bằng cách chuẩn bị trước. Bạn cần có sẵn từ 3 tới 4 “câu chuyện thang máy” để có thể nói ở mọi lúc mọi nơi và không bị ấp úng tại chỗ.
Bước 2: Đừng thuật lại một sự việc, hãy trò chuyện
Thuật lại một câu chuyện và trò chuyện là hai việc hoàn toàn khác nhau. Để thuật lại một câu chuyện, bạn cần có thời gian. Bạn phải nêu lên được tình huống, miêu tả nhân vật và xây dựng nhịp điệu của câu chuyện. Thường bạn sẽ cần tới vài phút, chứ không phải vài giây. Thêm nữa, bạn sẽ còn nghĩ tới việc sử dụng đồ vật để khiến câu chuyện có thêm sức thuyết phục.
Ngược lại, khi trò chuyện, bạn sẽ có thể nói trong vài giây, chứ không phải vài phút – xong đúng lúc thang máy dừng lại. Một điều tuyệt vời là khi kể lại một câu chuyện, bạn không bao giờ phải lo lắng liệu người nghe đã biết trước về câu chuyện này chưa. Đó là vì mỗi một cuộc trò chuyện đều độc đáo.
Bước 3: Lựa ra một câu chuyện sẽ khiến khán giả thích thú
CEO của bạn rất có thể sẽ muốn nghe về cuộc trò chuyện giữa bạn và một khách hàng quan trọng. Người đứng đầu phòng thiết kế sẽ muốn nghe về lần nói chuyện giữa bạn và art creator.
Người đứng đầu bộ phận quản lý nhân sự của công ty bạn sẽ muốn nghe về buổi thảo luận giữa bạn và diễn giả ở một buổi họp báo về bồi thường cho nhân viên.
Việc đưa ra một cuộc trò chuyện có liên quan đến khán giả của bạn sẽ chứng tỏ bạn là một người biết cách kết nối với những con người quan trọng. Như vậy sẽ giúp bạn tăng địa vị mình lên một chút.
Giả sử nếu tôi kể về một cuộc trò chuyện giữa tôi và vị CEO mới của một thương hiệu nổi tiếng, tôi sẽ được ngồi ở bàn của sếp? Không đùa đâu.
Như bạn cũng biết rồi đó, các sếp cấp cao không hề quan tâm bạn biết những gì. Họ chỉ quan tâm bạn biết những ai.
Bước 4: Chọn một câu trích dẫn hay ho
Để “câu chuyện thang máy” của bạn phát huy hết sức mạnh, bạn cần một câu nói hài hước, hay đáng nhớ để người nghe không thể nào quên được. Khi hỏi vị CEO của thương hiệu nhỏ kia rằng đối với ông ấy, điều gì đã thay đổi sau khi trở thành một CEO, ông ta trả lời như sau “Trước đây, khi tôi tới thăm các cửa hàng của công ty, tôi không cảm thấy gì to tát – còn bây giờ, mọi thứ đã trở nên vô cùng to tát.” Một câu trả lời đơn giản và thành thật. Thêm nữa, nó tóm gọn cảm xúc của ông ta theo một cách ngắn gọn và đầy tính thuyết phục.
Bước 5: Đưa câu trích dẫn đó vào cuộc trò chuyện
Quả nhiên, kể được một câu chuyện hay không phải là tất cả. Để thu hút được sự chú ý của người nghe, bạn phải chắc chắn mình đang kể lại câu chuyện một cách phù hợp. Nếu kể như một người tường thuật, câu chuyện của bạn sẽ thành ra một bản tóm tắt, và không để lại ấn tượng gì với người nghe cả.
Đây là một ví dụ của cách kể tường thuật “Mới đây tôi tham dự một buổi tiệc brunch với rượu sâm-panh. Tôi hỏi một cô bồi bàn liệu cô ta có thể mở nắp chai rượu này hộ tôi không. Cô ta lại bảo tôi tự đi mà mở.” Cách kể này hoàn toàn trái ngược với cách kể sau đây: “Khi nhờ một cô bồi bàn tại một buổi tiệc ở Amsterdam mở hộ tôi chai rượu, cô ta lại bảo tôi “Sao chứ? Không tự mở được à?”
Cách đưa câu trích dẫn vào cuộc trò chuyện sẽ giúp tôi nhập vai vào “nhân vật” và thêm một ít “cảm xúc” vào cách truyền đạt. Điều này sẽ giúp câu chuyện của tôi trở nên thú vị hơn và người nghe rất có thể sẽ tham gia vào cuộc trò chuyện.
Bước 6: Nhớ kể ngắn gọn
Một “câu chuyện thang máy” hay chỉ kéo dài tầm 30 tới 45 giây. Sống trong một thế giới có thang máy tốc độ cao như bây giờ, bạn chỉ có vài giây, không phải vài phút, để tạo ấn tượng.
Nên lần sau chạm trán một người nào đó quan trọng, hãy làm theo những bước này. Biết đâu được, rất có thể bạn sẽ biến một cuộc gặp mặt tình cờ thành một kết nối quan trọng giúp bạn tiến xa trong con đường sự nghiệp.