‘Creative block’ là tình trạng bế tắc sáng tạo. Đó là khi bạn vừa hào hứng ngồi xuống thực hiện ý tưởng mới và bỗng nhận ra...trong đầu mình chẳng có gì cả. Nguồn cảm hứng vừa phun trào chợt tắt ngúm, bạn nhìn trân trân vào trang giấy trước mặt và nhận ra nó vẫn trắng tinh như 30 phút trước đó.
Vò đầu bứt tai cũng không thể giúp bạn tìm ra sự thông tuệ thích chơi trốn tìm của mình, nhưng những cách dưới đây thì có thể.
1. Đứng dậy đi dạo
Một nghiên cứu năm 2014 tại đại học Stanford Mỹ đã tìm thấy rằng khả năng sáng tạo của một người có thể tăng đến 60% trong và sau khi đi bộ. So với việc ngồi yên một chỗ, đi bộ làm tim đập nhanh hơn, tuần hoàn máu đến não tốt hơn.
Đi bộ cũng đã được chứng minh là có khả năng thúc đẩy việc hình thành liên kết mới giữa các tế bào não, tăng cường thể tích của hồi hải mã (hippocampus - một vùng não bộ rất quan trọng với trí nhớ), gia tăng mật độ của các phân tử góp phần vào việc thúc đẩy hình thành tế bào thần kinh (neuron) mới.Ngoài ra, việc đứng dậy và tách mình khỏi công việc hiện tại cũng giúp “làm mới” cách nhìn của bạn về vấn đề đang đối mặt. Rất có thể bạn sẽ tìm được lối ra khỏi tình trạng bế tắc của mình chỉ đơn giản bằng cách “đi chỗ khác chơi”.
2. Thay đổi quang cảnh
Thoát ra khỏi chốn công sở thường ngày để tới một quán cafe, hay một văn phòng chia sẻ để làm việc là một lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện nay. Dường như điều này giúp họ có một nguồn cảm hứng làm việc mới. Việc ở mãi một chỗ để làm việc khiến đầu óc chúng ta bị cầm tù bởi quang cảnh quen thuộc và nhàm chán.
Khi não bộ đã quá quen với một nơi nào đó, chúng ta dễ cảm thấy an toàn và không còn để ý tới những thứ thú vị xung quanh. Sáng tạo tại một môi trường khác thường có thể cho ta nhiều góc nhìn mới và kích thích não bộ với những thông tin lạ lẫm.
3. Tiêu thụ nội dung (một cách chủ động, có phản biện)
Nếu như không thể sản xuất ý tưởng, bạn cũng có thể làm việc dễ hơn là tiêu thụ chúng từ những nguồn khác. Nhưng hãy xem những nội dung bắt não bộ bạn phải phân tích và hình thành suy nghĩ một cách chủ động, có phản biện.
Ví dụ như đọc Vietcetera (nháy mắt!), xem phim tài liệu, nghe podcast để học thêm kiến thức mới, đọc tiểu thuyết và vận động trí tưởng tượng, chơi game và tìm cách giải quyết vấn đề trong thế giới ảo,...
Việc tiêu thụ những loại nội dung này sẽ cho bạn cơ hội nhìn thấy những vấn đề mới, từ đó nghĩ ra những ý tưởng và phương pháp giải quyết khó khăn mới. Ngoài ra bạn cũng học được cách các chuyên gia truyền thông truyền tải thông điệp của họ qua từ ngữ, hình ảnh, những đoạn hội thoại thú vị và áp dụng cho tình trạng bế tắc sáng tạo của mình.
4. Luôn mang theo sổ (hoặc thứ gì đó để ghi chú lại ý tưởng của mình)
Ý tưởng mới có thể xuất hiện bất thình lình ở bất cứ nơi đâu ta tới, dù là đi du lịch nước ngoài hay trên đường tới chỗ làm. Bạn có thể có trăm nghìn ý tưởng trong một ngày, nhưng bạn có để ý tới chúng và lưu giữ được hay không thì lại là chuyện khác. Ý tưởng dễ đến nhưng cũng rất dễ đi, chỉ cần ai đó gọi tên bạn là “để gió cuốn đi” luôn. Vì vậy hãy luôn đem theo bên mình những vật dụng để ghi chú lại suy nghĩ hay ho (sổ tay, điện thoại, máy ghi âm,...) ngay khi chúng xuất hiện.
Khi đã có một danh sách ý tưởng, bạn có thể lật chúng ra xem trong trường hợp gặp bế tắc. Biết đâu một trong số những dòng ghi chú đó lại là cứu tinh của bạn thì sao.
5. Hình thành một thói quen cho việc sáng tạo
Một nghiên cứu từ Elsevier lấy đối tượng là những nhà văn gặp bế tắc đã tìm ra rằng: những người tạo cho mình một thói quen viết có khả năng sáng tạo cao hơn những người trì hoãn công việc để chờ cảm hứng tới.
Việc biến quy trình sáng tạo thành một lẽ dĩ nhiên như ăn xong phải đánh răng, đi làm về phải đi tắm giúp ta vận động trí não một cách dễ dàng hơn. Đồng thời việc chủ động sáng tác cũng giúp giải tỏa áp lực khi chúng ta cứ ngồi chờ cảm hứng nhưng không biết chắc rằng nó có tới hay không.
Bước khó nhất luôn luôn là bước khởi đầu. Khi đã ngồi xuống, hãy truyền tải những ý tưởng của bạn bằng mọi cách có thể, cho dù cách đó có dở tệ đi nữa, thì ít nhất bạn đã cho mình cơ hội để tìm ra giải pháp.