Đang mùa tuyển sinh 2019. Trong số những thí sinh hăm hở chọn trường đúng ngành đúng nghề theo nguyện vọng, vẫn còn không ít thí sinh đang “băn khoăn đứng giữa đôi dòng nước”. Bạn hãy mạnh dạn chọn đúng ngành nghề mình thích, không nhất thiết phải là nhân viên văn phòng sáng láng hay chuyên viên xách cặp đi - về ngày hai buổi nơi công đường.
Bạn Nguyễn Công Đức, sinh viên Trường Đại học Văn Lang học ngành công nghệ thực phẩm, dẫu ra trường hơn một năm vẫn chưa tìm được việc làm. Bởi với chuyên môn Đức học 4 năm trời ở trường đại học, bạn không thể làm việc ở văn phòng, công việc của Đức phải gắn liền với chiếc áo blouse trắng ở phân xưởng chế biến thực phẩm hay phòng kiểm nghiệm KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm). Tiếc là, Đức chỉ dự tuyển vào công việc “bàn giấy” nên mãi không tìm được nơi làm phù hợp.
Bạn Nguyễn Thị Như Tâm, sinh viên năm 2, khoa sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, quyết định bỏ luôn gần hai năm học tập. Mùa tuyển sinh năm ngoái, Tâm cầm hồ sơ thi tuyển hai năm trước, xin được vào học tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ngành sinh vật. Bởi cuối cùng, Tâm phát hiện mình rất thích đứng trên bục giảng với mái tóc dài ngang vai và chiếc áo dài thướt tha. Hồ sơ cũ không được chấp nhận, Tâm quyết định thi lại. Với số điểm đạt được như ý trong kỳ thi vừa qua, Tâm đã trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM như mong muốn.
Qua các câu chuyện thực tế kể trên, rút ra một điều rằng, khi chọn ngành nghề, mọi người cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Không “can đảm” bỏ hai năm đã học ngành không thích như bạn Tâm, cuối cùng, Đức đã phải “ôm” luôn bốn năm ngành công nghệ thực phẩm để chọn công việc “bàn giấy”. Nếu may mắn tìm được việc làm, tất nhiên, sau này Đức phải đi học lại ngành nghề phù hợp. Còn không thì Đức vẫn phải chấp nhận làm cái nghề mà bạn đã “trót học”. Còn Tâm, chúc mừng bạn đã mạnh mẽ chọn lối rẽ mình thích. Hai năm học ngành khoa học sinh học, thời gian không ngắn cũng không dài, nhưng đủ để bạn cảm thấy mình chính chắn hơn, mình muốn gì và không muốn gì.
Chọn đúng ngành nghề để học để làm, quả không phải công việc dễ dàng. Không loại trừ “những ám ảnh phù hoa” của công việc như các nghề diễn viên, đạo diễn, phi công, tiếp viên hàng không; người mới vào đời như các bạn tân sinh viên còn “vấp” phải sức hút của các nghề có thu nhập “khủng” như phiên dịch, biên dịch, chuyên viên cao cấp... ở những dự án, những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đôi khi những cảm nhận, những “sức hút ban đầu” ấy chỉ là cảm tính, là sở thích tạm thời chưa được “liệu cơm gắp mắm”. Sự chọn lựa cảm tính này sẽ tạo cho bạn một cảm giác chông chênh khi làm việc, còn con đường “nhất nghệ tinh” hầu như không có.
Cho nên, bạn hãy “đo ni đóng giày” cho chính mình khi chọn một ngành nghề để học hay để làm. Khi bạn làm việc, không chỉ để mưu sinh, không chỉ để đóng góp cho xã hội, mà còn là niềm đam mê với những gì bạn thích. Học hoặc làm một công việc không có đam mê, bạn sẽ thấy mịt mùng lối ra. Không gì thú vị hơn, khi mai này vào đời, sau bốn năm học đại học hoặc qua một khóa học nghề chi chi đó, bạn tìm được công việc nhiều trong một. Vừa yêu thích vừa đúng sở trường, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung. Bởi đây không chỉ là “người tình” để bạn gắn bó, đam mê; mà còn là “bến đỗ” để bạn cảm thấy tự tin dấn tới, dù “cuộc đời có thay đổi thì ta cũng chẳng buồn đổi thay”.