Phân tích SWOT giúp bạn phát huy tất cả tài năng và tận dụng mọi cơ hội đến với bạn trên con đường nghề nghiệp. SWOT là viết tắt của 4 chữ Strength (Thế mạnh), Weakness (Điểm yếu), Opportunity (Cơ hội) và Threat (Thách thức). Bạn chỉ có thể thành công với công việc mà bạn có thể tận dụng tối đa thế mạnh bản thân. Tương tự, khi biết rõ điểm yếu của mình, bạn có thể chủ động không để chúng ảnh hưởng đến công việc.
SWOT còn giúp bạn khám phá ra những cơ hội tiềm ẩn giúp bạn tiến nhanh đến thành công nhưng cũng không lơ là những thách thức cản trở sự phát triển của bạn. Còn chần chừ gì mà không cầm bút lên và làm ngay bài phân tích SWOT của mình.
Strength - Điểm mạnh
- Thế mạnh nào chỉ riêng bạn có còn những người khác thì không? (ví dụ về kĩ năng, bằng cấp, học vấn hoặc các mối quan hệ)
- Bạn làm việc gì tốt hơn những người khác?
- Bạn có thể đạt được những năng lực cá nhân nào?
- Đâu là những điểm mạnh mà mọi người (kể cả sếp) nhận thấy ở bạn?Đánh giá nghề nghiệp với phân tích SWOT
- Bạn tự hào nhất về những thành tích nào của mình?
- Những giá trị nào bạn tin rẳng những người khác không thể hiện được?
- Bạn có phải là một phần của một hệ thống mà không ai khác được tham gia vào? Nếu thế, mối liên hệ giữa bạn với những người có ảnh hưởng là gì?
Hãy tự đánh giá bản thân dựa trên quan điểm của bạn và của những người xung quanh. Đừng tỏ ra khiêm tốn hay e dè – hãy thật khách quan. Và nếu bạn gặp khó khăn khi phân tích điểm mạnh, hãy liệt kê một loạt những cá tính của bạn. Rất có khả năng một vài tính cách này chính là ưu điểm mà bạn chưa nhận ra.
Bí quyết là bạn nên xem xét điểm mạnh của mình trong mối tương quan với những người xung quanh. Ví dụ, nếu bạn là một nhà toán học có tài trong khi quanh bạn đều là những người cực kỳ giỏi toán, thì đây không hẳn là một thế mạnh cho vị trí hiện tại của bạn. Trên thực tế, đó có thể là một điều kiện cần để bạn tồn tại.
Weakness - Điểm yếu
- Những việc nào bạn thường xuyên phải từ chối vì không đủ tự tin để thực hiện?
- Đâu là những điểm yếu mà những người xung quanh sẽ đánh giá về bạn?
- Bạn có hoàn toàn tự tin với trình độ học vấn và các kĩ năng của mình? Nếu không, nhược điểm lớn nhất của bạn nằm ở đâu?
- Những thói quen không tốt trong công việc của bạn là gì? (ví dụ: bạn hay đi trễ, bạn nóng vội hoặc bạn kiểm soát stress rất tệ)
- Những tính cách nào cản trở bạn trong công việc? Lấy ví dụ, nếu công việc đòi hỏi bạn phải tiến hành các cuộc họp một cách thường xuyên, nỗi sợ hãi phải nói chuyện trước đám đông sẽ là một nhược điểm rất lớn.
Một lần nữa, hãy đánh giá điểm yếu của mình theo hướng chủ quan lẫn khách quan. Có những nhược điểm nào mà mọi người đều thấy ở bạn, chỉ riêng bạn là không? Có phải đồng nghiệp luôn thể hiện khả năng vượt trội hơn bạn trong những lĩnh vực quan trọng? Hãy suy nghĩ thực tế - đối mặt với sự thật không dễ chịu này càng sớm càng tốt là cách hay nhất bạn nên làm.
Opportunity - Cơ hội
- Những công nghệ mới nào có thể hỗ trợ bạn? Bạn có thể tìm được sự giúp đỡ từ người khác nhờ Internet không?
- Ngành nghề của bạn có đang phát triển không? Nếu có, bạn sẽ tận dụng cơ hội từ thị trường hiện tại bằng cách nào?
- Bạn có xây dựng cho mình một mạng lưới những đầu mối liên lạc chiến lược – những người có thể trợ giúp bạn hoặc cho bạn những lời khuyên hữu ích?
- Trong công ty bạn hiện đang có những xu hướng nào (về quản lý hoặc những lĩnh vực khác), và bạn có thể tận dụng cơ hội từ chúng không?
- Có đối thủ nào của bạn vừa thất bại trong một nhiệm vụ quan trọng nào đó? Nếu thế, bạn có tận dụng được cơ hội từ sai lầm của họ không?
- Trong công ty hay trong lĩnh vực mà bạn đang làm việc, có nhu cầu nào đó phát sinh nhưng chưa ai có thể đáp ứng không?
- Khách hàng có điều gì than phiền về công ty của bạn không? Nếu có, liệu bạn có thể tự tạo cho mình một cơ hội bằng cách đề ra một giải pháp?
Bạn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hữu ích trong những trường hợp sau:
- Những sự kiện giao lưu cộng đồng, các lớp học hay những buổi hội thảo.
- Một đồng nghiệp nghỉ phép dài hạn. Bạn có thể đảm nhiệm một vài dự án của anh ấy để lấy thêm kinh nghiệm chứ?
- Một vai trò hoặc một dự án mới bắt buộc bạn học thêm những kỹ năng mới, chẳng hạn nói chuyện trước công chúng hay quan hệ quốc tế.
- Công ty mở rộng quy mô hoặc sáp nhập. Bạn có kĩ năng đặc biệt nào (ngoại ngữ chẳng hạn) có thể giúp ích cho quá trình này?
Điều quan trọng là bạn đánh giá đúng mức những ưu điểm và nhược điểm của mình, và tự hỏi liệu việc phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm có mở ra cho bạn thêm nhiều cơ hội mới hay không.
Threat – Thách thức
- Những trở ngại nào trong công việc mà bạn đang phải đương đầu?
- Có đồng nghiệp nào đang cạnh tranh với bạn về dự án hay vị trí trong công việc không?
- Công việc của bạn (hay nhu cầu thị trường đối với công việc của bạn) có thay đổi không?
- Sự thay đổi công nghệ có đe dọa vị trí hiện tại của bạn không?
- Có điểm yếu nào của bạn có khả năng dẫn đến nguy cơ không?
Hãy đọc lại phân tích SWOT của mình để có những điều chỉnh hay thay đổi tích cực cho công việc hiện tại. Nếu bạn nhận ra rằng, công việc hiện tại không phát huy tối đa thế mạnh của mình, hãy nhìn sang phần cơ hội, có cơ hội nào để bạn thay đổi? Nếu không, hãy mạnh dạn tìm một công việc mới, giúp bạn thành công hơn!