Theo khảo sát các CEO của Fortune 500, Networking được xem là một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất của một người làm việc chuyên nghiệp và chiếm đến 75% khả năng thành đạt. Bên cạnh đó, Networking còn là tên gọi của một loại hình sự kiện nơi bạn có thể gặp gỡ và mở rộng mối quan hệ của mình. Nếu bạn là người thích giao du và nói chuyện tự nhiên, tham gia networking sẽ khá dễ dàng. Tuy nhiên, làm sao để đạt được hiệu quả Networking lại là một vấn đề hoàn toàn khác vì có những điều bạn chú ý khi tham dự sự kiện này.
1. Networking không dành cho bạn bè
Xu hướng chung của con người là sợ tiếp xúc với người lạ, đó là lí do khiến bạn nghĩ đến việc kéo theo một hoặc vài người bạn đến Networking. Kết quả là suốt cả buổi, bạn sẽ chỉ “dính” với họ và không thể nói chuyện với những người khác, điều đó còn đồng nghĩa với việc cơ hội phát triển kinh doanh của bạn cũng “không cánh mà bay”.
2. Đừng “sưu tầm” danh thiếp
Nhiều người thường đến Networking vốn chỉ để thu thập càng nhiều danh thiếp càng tốt vì họ nghĩ như vậy là mở rộng mối quan hệ. Tuy nhiên hành động này đôi lúc lại gây phản ứng ngược, bạn không thể tạo dựng mối quan hệ với một người chỉ bằng vài câu hỏi xã giao và trao đổi danh thiếp. Điều bạn nên làm, đó là đầu tư vào chất lượng của mối quan hệ bạn tạo ra hơn là nhắm đến số lượng người bạn gặp. Bạn sẽ làm gì nếu như một ngày khi bạn cần liên hệ với họ, họ hoàn toàn không nhớ bạn là ai?
3. Học cách lắng nghe
Thành công của những người kết nối là khả năng lắng nghe, do vậy tập trung nghe người khác chia sẻ là điều quan trọng trong buổi Networking. Khi bạn thực sự lắng nghe, bạn sẽ có thể theo kịp họ để từ đó tìm được những chủ đề khiến việc trò chuyện kéo dài và thú vị hơn. Bạn nên lắng nghe một cách chủ động và có thể thể hiện qua một số hành động như: giữ tương tác bằng mắt, gật đầu khi thể hiện sự đồng ý thay vì cắt ngang để đưa quan điểm cá nhân, đáp lại bằng cách nhắc lại ý kiến người đang nói hay đơn giản chỉ là đặt vài câu hỏi liên quan.
4, Hành động sau khi sự kiện kết thúc
Hãy viết mail, hoặc nếu can đảm, gọi cho họ để nói với họ rằng bạn thấy cảm kích và thú vị về cuộc trò chuyện tại sự kiện vừa qua. Đừng để khoảng thời gian bạn đã đầu tư để gặp họ tại sự kiện trở nên uổng phí, chỉ vì bạn quá bận hay ngại ngùng liên lạc lại với họ. Thậm chí ngay cả khi họ không thực sự là điều bạn cần hay bạn đang tìm kiếm, họ có thể sẽ giới thiệu bạn với “mạng lưới” quan hệ của họ, và đó là lí do mà chúng ta gọi là “Networking”.
5. Bí quyết khi tiếp xúc với đối tác người nước ngoài
Đối tác người nước ngoài là những những người sống trong môi trường văn hóa, xã hội hoàn toàn khác so với bạn. Chính vì vậy chúng ta dễ gặp khó khăn khi tiếp xúc với họ. Tuy nhiên những đối tác người nước ngoài lại là những người có khả năng giúp bạn mở rộng cơ hội kinh doanh và đôi khi họ còn có thể mang về cho bạn những hợp đồng cực kỳ béo bở. Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn dễ dàng tiếp cận những đối tác người nước ngoài tại buổi Business Networking:
- Hãy tự tin khi bắt chuyện: đối tác người nước ngoài là những người rất "open" trong việc mở rộng những mối quan hệ. Hãy tự tin nói xin chào và thể hiện sự hiếu khách cũng như mong muốn được kết giao của bạn. Sự tự tin chính là bước đầu tiên giúp họ cảm thấy tin tưởng rằng bạn sẽ là một đối tác tiềm năng trong tương lai.
- Nếu có vấn đề gì không hiểu, hãy hỏi lại. Sự xác minh thông tin này khiến đối tác người nước ngoài cảm thấy thích thú vì bạn đang quan tâm đến vấn đề họ nói. Đừng luôn luôn gật đầu ngay cả với những vấn đề bạn không cảm thấy chắc chắn. Sự thỏa hiệp với tất cả mọi thứ sẽ dễ dàng khiến bạn trở thành người thua cuộc trong những cuộc thương lượng kinh doanh trong tương lai.
- Hãy sử dụng tiếng Anh thật tự nhiên và chuyên nghiệp. Hãy thử nghĩ mà xem, khi bạn có thể sử dụng tiếng Anh trôi chảy, bạn dễ dàng diễn đạt những gì muốn nói hơn và điều này đồng nghĩa với bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều.