Đừng chế ngự sự nhiệt tình trong con người bạn bởi người phỏng vấn không chỉ cần những ứng viên có kỹ năng phù hợp mà hơn hết, họ muốn có những người thực sự có niềm đam mê với công ty.
Win Sheffield, 57 tuổi và là chuyên gia suốt 8 năm tại công ty tư vấn nghề nghiệp The File O’Clock Club, cho rằng, nhiều ứng viên quên rằng, một trong những phần quan trọng nhất của buổi phỏng vấn là thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn thực sự mong muốn công việc đó. Người phỏng vấn không chỉ cần những ứng viên có kỹ năng phù hợp mà hơn hết, họ muốn có những người thực sự có niềm đam mê với công ty.
Đồng tình với quan điểm của Sheffield, Cynthia Bragdon - chủ sở hữu công ty quà tặng Urban Indigo ở Oakland nói rằng: "Tôi không hiểu lý do tại sao một số ứng viên lại bỏ lỡ điều này. Phải chăng họ nghĩ rằng họ sẽ thất bại? Thực tế, nếu ứng viên tỏ ra không mấy mặn mà với công việc, tôi sẽ rất băn khoăn vì bất kỳ công việc nào cũng cần có những cam kết đầy đủ. Và nếu các bạn quá khép kín, không thể hiện mình tại buổi phỏng vấn thì tôi sẽ tách họ khỏi danh sách ứng viên của tôi. Đó là một dấu hiệu xấu".
Sheffiield gợi ý rằng, bạn nên chuẩn bị cho mình một "kho vũ khí", để sẵn sàng sử dụng trong buổi phỏng vấn. Đó có thể là câu chuyện thú vị minh họa cho kỹ năng, thế mạnh của mình, cách nói hóm hỉnh kèm theo những thành tích đã đạt được. Thay vì khoe khoang một cách chung chung về khả năng, kinh nghiệm, bạn hãy mô tả cụ thể và chỉ cho họ bạn có thể ứng dụng kỹ năng ấy như thế nào nếu về làm cho công ty của họ. Bạn có thể hào hứng với niềm vui thực sự khi nói về những trở ngại mình đã vượt qua trong quá khứ. Người phỏng vấn sẽ rút ra kết luận từ những câu chuyện ấy.
Ngoài việc kể những câu chuyện minh họa thế mạnh bản thân, bạn nên trực tiếp nói với người phỏng vấn bạn sẽ vui mừng thế nào nếu được lựa chọn và hãy thảo luận một số vấn đề bạn có thể tháo gỡ cho công ty để họ biết rằng, bạn nên là lựa chọn đầu tiên của họ.
Hầu hết ứng viên đều chuẩn bị bài tập ở nhà kỹ lưỡng trước khi đi phỏng vấn, họ tìm hiểu nhiều về công ty đến mức tối đa. Thế nhưng, Cynthia Bragdon cho rằng, đôi khi, ứng viên không nên quá cứng nhắc, rập khuôn theo những câu trả lời chuẩn bị sẵn. Trí thông minh, nhanh nhạy trong những tình huống phát sinh mới là yếu tố quan trọng giúp bà đánh giá ứng viên.
Trước khi bước vào phòng phỏng vấn, bạn nên mang theo một quyển sổ nhỏ ghi chép những điều quan trọng. Trong đó, bạn ghi lại một vài điểm giúp bạn nhớ những câu chuyện tốt nhất về mình và lưu ý về ba câu hỏi công việc cụ thể ở công ty. Khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, bạn hãy xin phép nhà tuyển dụng cho phép bạn được ghi chép lại thông tin cần thiết. Lúc này, bạn cũng nên hỏi xem vị trí của bạn so với các ứng viên lý tưởng mà công ty lựa chọn là như thế nào? Làm thế nào để so sánh với các ứng viên khác? Những câu hỏi này nhấn mạnh mức độ mong muốn của bạn với công việc và giúp bạn ghi dấu ấn sau buổi phỏng vấn.
Cũng là một chuyên gia tư vấn như Sheffield, Robert Hellmann, 49 tuổi kể rằng, ứng viên của ông đã biến không thành có thông qua việc siêng năng, nhiệt tình theo dõi, khiến ông phải chú ý đến họ.
Khi bạn tham gia buổi phỏng vấn việc làm, hãy đảm bào nhà tuyển dụng biết bạn có những kỹ năng cần thiết và bạn mong muốn có được vị trí tốt nhất tại công ty. Nhưng chắc chắn bạn nên thể hiện sự nhiệt tình của bạn đối với công việc.
Sau đây là một số mẹo nhỏ, đúc kết từ chia sẻ của các chuyên gia nói trên:
- Thể hiện sự nhiệt tình
Hãy cho nhà tuyển dụng thấy sự háo hức của bạn đối với công việc và công ty của họ thông qua những điều bạn biết về công ty và vị trí bạn ứng tuyển trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu.
- Nhấn mạnh điều bạn có thể làm cho họ
Giải thích cho người phỏng vấn về kinh nghiệm trước đây của bạn và những ý tưởng mới bạn có để giải quyết vấn đề công ty gặp phải, đóng góp một phần cho công việc mới.
- Kể những câu chuyện minh họa thành tích
Bạn nên chuẩn bị ít nhất là 3 kinh nghiệm giá trị để minh họa cho nhà tuyển dụng thấy, làm thế nào bạn giải quyết được khó khăn, thử thách và đạt được mục tiêu.
- Thể hiện mong muốn với công việc
Hãy nhìn vào mắt nhà tuyển dụng và nói rằng, bạn thực sự muốn làm việc cho công ty và lý giải tại sao. Bạn phải cho họ biết bạn yêu thích công việc này hơn tất cả những ứng viên khác.
- Tham khảo ghi chú
Sử dụng máy tính bỏ túi dạng notebook hoặc sổ ghi chép cá nhân để ghi lại những điều mình cần nói và cần nhớ khi đối diện nhà tuyển dụng.
- So sánh với ứng viên khác
Hỏi nhà tuyển dụng xem làm thế nào để đánh giá bạn với các ứng viên lý tưởng khác. Điều này nên hỏi ngay từ lúc cuộc phỏng vấn chưa bắt đầu.
- Theo dõi
Thay vì một bức thư cảm ơn đơn giản, bạn nên thêm vào đó ghi chú chi tiết về giải pháp bạn đưa ra với những khó khăn công ty đang gặp phải.