Công sở là nơi lắm thị phi và nhiều mối quan hệ đan xen phức tạp, bí quyết để tồn tại là học cách nên nói gì và không nên nói gì.
Chúng ta thường chỉ mất vỏn vẹn 2 năm để học nói nhưng lại mất cả đời để có thể học được những gì không nên nói. Thật vậy, giao tiếp trong đời sống thường nhật vốn đã khó, giao tiếp ở nơi lắm thị phi như công sở lại càng không dễ dàng và điều đó luôn là thứ mà rất nhiều người phải học hỏi, trau dồi và rèn luyện từng ngày.
Bởi chỉ cần một giây phút không kiểm soát được cảm xúc của bản thân mà thốt ra những lời lẽ không đúng mực, sự nghiệp cũng như hình tượng mà chị em gây dựng nhiều năm có thể bị sụp đổ trong gang tấc. Cùng điểm qua những câu nên nói và không nên nói nơi công sở:
1. "Có phải việc của em đâu" là câu nói nghe khá quen thuộc đối với dân công sở, thường được thốt ra khi ai đó đang cảm thấy vô cùng căng thẳng và có một ai đó đến nhờ vả. Tuy nhiên, câu nói này nghe rất thiếu thiện chí và khó chịu. Thay vì đó, hãy thử từ chối một cách tinh tế bằng câu "Tôi nghĩ, sẽ phù hợp hơn nếu anh trình bày vấn đề này với…".
2. "Trước giờ, bên mình vẫn thường làm vậy mà". Về cơ bản, con người ta có xu hướng ngại đổi thay và câu này khiến người nói có vẻ cứng nhắc cũng như không chịu cập nhật những cái mới. Thay vì cứ mãi cứng nhắc, hãy thử mở rộng vấn đề bằng cách gợi mở "Vấn đề này nghe khá mới đấy, nói rõ thêm để tôi nắm bắt thật kỹ với…".
3. "Em chẳng làm được gì cả". Thành thật là tốt, nhưng trong mọi trường hợp hãy cố gắng giữ tinh thần lạc quan cũng như tư duy một cách tích cực. Thay vì thừa nhận thất bại hãy nghĩ bản thân mình có thể làm tốt, chỉ là hiện tại đang có một chút vấn đề mà thôi. Trong trường hợp này, hãy thử nói "Tôi đang bế tắc, có cách nào để tôi khắc phục tình trạng này không".
4. "Việc này một phút là xong". Việc dù dễ và gấp đến cách mấy cũng cần được làm một cách chỉn chu, đàng hoàng. Chúng ta khó có thể làm được gì ra hồn chỉ trong vòng 1 phút cả. Do đó, hãy thể hiện sự thận trọng của bản thân cũng như giá trị lời nói bằng một câu trả lời xác đáng kiểu "Tôi sẽ xác nhận lại thời gian hoàn thành công việc này".
5. "Việc này thật vô nghĩa". Chẳng có việc gì vô nghĩa cả, có chăng là do chúng ta chưa hiểu hết được tâm ý đối phương. Do đó, đừng vội quy chụp và có thái độ tiêu cực. Thay vì vậy hãy thử làm rõ vấn đề bằng những câu hỏi mở "Anh có thể giải thích rõ lý do vì sao những cách làm này tốt hơn không".
6. "Anh sai rồi" là một câu nói quá thẳng thắn và rất dễ khiến đối phương mất lòng. Cho dù sếp và đồng nghiệp có sai chúng ta cũng không nên dùng câu này mà hãy thay bằng một lựa chọn khác nhẹ nhàng hơn, kiểu như "Tôi không đồng ý, bởi vì…"
7. "Em xin lỗi, nhưng…" là câu nói nghe có vẻ chân thành nhưng ẩn chứa đằng sau nó là sự biện minh. Thay vì cứ biện minh như vậy, hãy đưa ra giải pháp "Tôi xin lỗi, lần tới tôi sẽ…".
8. "Em cứ tưởng là…" là câu nói nghe rất vô trách nhiệm. Chúng ta ai cũng sẽ mắc lỗi trong công việc, không ít thì nhiều, nhưng hãy thể hiện sự cầu thị và trách nhiệm của bản thân thông qua cách nói "Anh/chị có thể chia sẻ giải pháp để chúng ta có thể làm tốt việc này hay không?".
9. "Em làm hết sức rồi". Cố gắng hết sức là việc chúng ta cần phải làm để đạt được kết quả cao trong công việc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chỉ hết mình thôi vẫn là chưa đủ. Hãy thử hỏi "Tôi có thể làm gì để lần sau hoàn thành tốt công việc này hơn".
10. "Lẽ ra anh nên". Chỉ trích, đổ lỗi chưa bao giờ là giải pháp cho những vấn đề nơi công sở. Thay vì cứ vạch lá tìm sâu, hãy cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề bằng cách đưa ra những góp ý xây dựng kiểu "Hướng đó đã không phù hợp, tôi nghĩ chúng ta hãy thử một hướng khác".
11. "Có thể em sai, nhưng…". Thiếu tự tin là việc rất nên bị hạn chế nơi công sở. Nếu bản thân mình có ý tưởng, hãy mạnh dạn bộc lộ suy nghĩ bằng cách "Tôi có ý này khá hay,…".
12. "Em không có thời gian". Tất cả chúng ta đều có chung một quỹ thời gian và chẳng ai nhiều hơn của ai. Người giỏi là người biết sắp xếp và chủ động thời gian. Thay vì cứ than thở về thời gian, hãy chủ động đưa ra hạn định "Tôi có thể hoàn thành việc này vào lúc…".