Bằng cách tặng cho mỗi nhân viên một chậu cây cảnh, Mike Robinson gọi đây là “năng lượng xanh” và ông đã thành công trong việc tạo ra một môi trường làm việc mà cả con người lẫn những người bạn thực vật của chúng ta đều có thể phát triển mạnh mẽ.
Ngoài lương thưởng hấp dẫn và giờ giấc làm việc hợp lý thì một người nhân viên còn cần gì để có năng suất tốt nhất nữa? Ừ thì nào là cơ sở vật chất này, giờ ăn trưa này, giờ nghỉ giải lao này. Và cả một cái cây nữa.
Mike Robinson chưa bao giờ có ý nghĩ về cây cảnh nơi làm việc. Ông sở hữu một công ty nhỏ ở British Columbia, Canada, chuyện thiết kế và thi công kính chắn gió và các loại kiến trúc khác. Một ngày nọ, người đồng quản lý doanh nghiệp và cũng là vơ ông, Suzanne, bảo với chồng rằng: “Em nghĩ mình nên cho mỗi nhân viên trong công ty một chậu cây cảnh để bàn.”
Robinson đương nhiên cảm thấy nghi ngờ về ý tưởng này của vợ. Ông nghĩ cây cảnh sẽ gây xao nhãng và làm mất thời gian của nhân viên. “Trung bình một nhân viên sẽ mất khoảng 5 phút mỗi ngày để chăm sóc cái cây đó hoặc là ngưỡng mộ sức sống của nó.” Mặc dù vậy thì với sự kiên trì của vợ, ông cũng đồng ý triển khai thử ý tưởng này.
Ông và vợ Suzanne đã mua 20 chậu cây cho đúng 20 nhân viên. Nhưng thay vì phát cây cho từng người thì ông cho từng nhân viên tự chọn cây cho mình giữa một bàn đầy các sự lựa chọn – với điều kiện họ phải đặt mình dưới vị trí của những cái cây đó.
Hãy nghĩ đây như một cuộc xem mặt giữa người với cây. Robinson giải thích rằng “Bạn phải đặt bản thân mình dưới vị trí của một cái cây, bạn bắt đầu suy nghĩ “Trong mấy người này thì mình muốn làm bạn với ai đây nhỉ?” Các nhân viên sau đó được nhận một tấm biển nhỏ ghi sẵn “Bạn tôi là …” và họ sẽ viết tên mình lên đó, cắm vào chậu cây mình đã chọn rồi đem về bàn làm việc của mình.
Sau một thời gian, Robinson nhận thấy những chậu cây cảnh này thực sự đem lại tác động tích cực. “Tôi đã tự tính toán và thấy rằng công ty chúng tôi đang vận hành hiệu quả hơn khoảng 30% trên mỗi nhân viên.” Tất nhiên là đây không phải một nghiên cứu khoa học. Không có nhóm mẫu nghiên cứu hay kiểm tra chéo, chỉ là một công ty được lấp đầy bởi những người yêu thực vật nhờ sếp họ. Và mẫu nghiên cứu vậy là đủ rồi.
Một dấu hiệu khác cho thấy mọi thứ đang đi đúng hướng chính là: 5 năm trôi qua và chưa có cây nào chết cả. Robinson cho rằng vì mỗi nhân viên đã tự tay chọn lấy cây của mình và cây họ chọn mang chính tên họ, họ chăm sóc nó cẩn thận hơn vì cái cây là hiện thân của thông điệp “đây là bạn tôi và tôi quan tâm đến người đó.” Ngoài ra, Robinson cũng chia sẻ rằng “Văn phòng của chúng tôi trở thành một không gian thư giãn nhưng cũng tràn đầy sự phấn đấu, là một nơi mà tôi tự hào khi là một phần của nó và phần lớn là nhờ vào những chậu cây cảnh của mỗi người kia.”
Nhưng loại cây nào thì phù hợp với bàn làm việc của bạn? Có thể bạn đã từng trồng một cái cây và từng cảm nhận được sự ấm áp từ tình bạn người-cây này, để rồi thấy nó lụi tàn ngay trước mắt. Rebecca Bullene, thợ làm vườn tại thành phố New York, đồng sáng lập công ty Greenery Unlimited và đảm nhiệm thiết kế và chăm sóc cây trồng tại văn phòng TED tại New York, cô có gợi ý một số loài cây dễ sống trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Lưu ý: hầu hết các giống cây này đều có kích thước vừa vặn với bàn làm việc nhưng nếu bạn muốn giữ nó ở kích cỡ đó thì phải cắt tỉa thường xuyên.
Văn phòng có điều kiện ánh sáng thấp
Lưỡi hổ: loài cây phù hợp với các văn phòng hơi hướng kiến trúc hiện đại
Kim tiền: lá cây kim tiền có độ bóng và hơi ngả hai màu, tạo sự mềm mại hơn cho văn phòng.
Thường xanh: cây thường xanh là loài cây có lá to và hoa văn trên lá rất đẹp và lạ mắt, thường được trưng ở khu vực tiếp khách
Văn phòng có điều kiện ánh sáng trung bình
Trầu bà Nam Mỹ: Một cái tên sang chảnh cho loài cây sang chảnh, với phiến lá lạ và tốc độ phát triển nhanh
Ngũ gia bì: Đáng yêu và dễ chăm sóc
Hoa hồng môn: Khác với hoa lan rất khó chăm sóc và hoa chỉ nở trong 6 tuần, hoa hồng môn cho ra hoa quanh năm và dễ chăm sóc hơn nhiều
Văn phòng có nhiều ánh sáng tự nhiên
Cây Mít cảnh: lá cây mượt và thói quen sinh trưởng dễ kiểm soát
Trầu bà tay phật: loài cây hơi quá khổ để để trên bàn làm việc nhưng thích hợp để đặt cạnh. Phiến lá có các rãnh sâu và kết cấu như phần bèo nhún của áo kiểu.
Các loài cây mọng nước như nha đam, cây nhện, xương rồng: thời gian gần đây trồng xương rồng trở thành một xu hướng, những loài này thích hợp để để cạnh cửa sổ, cần tưới nước sau 7-10 ngày nhưng cần kiểm tra phần đất trồng trước, nếu phần đất vẫn còn ẩm thì không cần tưới.
Sen đá: Một loài xương rồng có hoa, sống tốt trong điều kiện nhiều ánh sáng.
Nhưng nếu chỗ bạn ngồi không có cửa sổ hoặc là cửa sổ lại hướng vào một tòa nhà khác thì sao? “Lưỡi hổ và Phú quý là hai loài cây có thể sống trong không gian thiếu anh sáng mặc dù vậy thì chúng không thể sinh sôi phát triển được. Nhưng thời buổi hiện nay việc tạo ra ánh sáng nhân tạo là vô cùng dễ dàng với các thiết bị có thể được lắp đặt mọi nơi với cường độ giống như ánh sáng tự nhiên cho cây trồng nhưng vẫn có thể làm việc dưới nó được.” Một nhãn hiệu rất thành công với giải pháp này chính là Sansi.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng: Đừng tưới quá nhiều nước. “Luôn có một mối tương quan giữa cường độ ánh sáng và lượng nước cần tưới. Cây càng cần ít ánh sáng thì càng ít cần được tưới nước và ngược lại, cây càng cần nhiều ánh sáng thì càng cần nhiều nước. Mọi người thường nghĩ cần tưới cây mỗi ngày nhưng thực ra đây là lý do hang đầu khiến cây cảnh chết. Trong môi trường ít ánh sáng, bạn chỉ nên tưới cây 10 ngày một lần là đủ.” Theo Bullene.
Một dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn của cây bị tưới quá nhiều nước và cây bị thiếu nước chính là hiện tượng vàng lá, héo lá. Và đương nhiên chúng ta phản ứng bằng cách cấp nước lại cho cây. Theo Bullene, khoảng 80% các cây cảnh bị úng nước do được tưới quá thường xuyên và cách giải quyết vấn đề này đơn giản chỉ là dừng tưới nước một thời gian.
Nguồn IdeasTed
Dịch bởi Findjobs.vn