Để không lạc lõng trong giờ ăn trưa với sự góp mặt của nhiều đồng nghiệp, hãy tìm hiểu những cách sau đây. Chúng chính là chìa khóa giúp bạn kéo gần khoảng cách với mọi người hơn đấy!
Một trong những nỗi ám ảnh với dân văn phòng khi bước vào môi trường mới là xuất hiện trong các cuộc nói chuyện hời hợt, giả lả. Những buổi trò chuyện tưởng chừng như đơn giản chỉ là chia sẻ giữa các đồng nghiệp với nhau, nhưng lúc nào cũng lan man không thấy đích. Chúng có thể khiến bạn khó chịu và cảm thấy lạc lõng khi đối diện với "người cũ". Để khắc phục mối quan hệ với đồng nghiệp, việc tận dụng giờ ăn trưa để kéo gần khoảng cách là một ý tưởng không tồi.
1. Ghi nhớ cách bắt đầu cuộc trò chuyện
Giờ ăn trưa chính là thời điểm hoàn hảo nhất để trao đổi, kéo gần khoảng cách với mọi người xung quanh. Bạn có thể bắt đầu câu chuyện bằng các chủ đề gần gũi đang nổi cộm trên MXH.
Chẳng hạn như với Gen Z - các bạn trẻ năng động, bạn có thể bắt đầu bằng các trend đang hot trên TikTok, Facebook... Với Gen Y - các anh chị đồng nghiệp lớn tuổi hơn một chút, bạn có thể trao đổi những nội dung nghiêm túc như tin tức thời sự, thể thao, các tin nhận được nhiều chú ý trong xã hội… Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm một vài mẩu chuyện vui, hài hước, gây hứng thú cho mọi người, để có thêm những phút giây giải trí sau giờ làm việc căng thẳng.
Mục tiêu của việc chia sẻ nhiều hơn là để bạn thôi bó buộc bản thân trong vỏ bọc của mình. Điều này giúp ích cho chúng ta trong việc mở rộng mối quan hệ, tích lũy thông tin, học tập kinh nghiệm từ các đồng nghiệp cũ trong công ty.
2. Mọi người thích nói về bản thân nhiều hơn bạn nghĩ
Quan tâm nhiều hơn đến sếp hay đồng nghiệp là một trong những bước phá bỏ rào cản trong mối hệ. Dù không nhiều trường hợp như này, nhưng sẽ có những người thích các chủ đề xoay mình, mặc dù ít ai tự thừa nhận điều đó. Vậy nên, việc tìm hiểu sếp hay các đồng nghiệp thông qua sở thích, thói quen bằng cách đặt câu hỏi cho họ sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể, thêm nhiều hiểu biết để tìm đề tài chung, hoặc lưu ý những điều cần tránh khi giao tiếp với đối phương.
Tuy nhiên đừng hỏi quá nhiều và dồn dập vì điều đó sẽ gây tác dụng phụ, khiến người nghe như trong một buổi thẩm vấn. Quan tâm và đặt câu hỏi đúng cách sẽ giúp mọi người thêm ấn tượng với bạn.
3. Nắm bắt được điểm yếu của bản thân
Muốn đồng nghiệp cởi mở hơn thì bạn cũng phải làm được điều đó.
Hãy cởi mở hơn về sự thiếu sót, không hoàn hảo của bản thân trong một môi trường mới, vì ai cũng từng phải qua giai đoạn đó mà thôi. Bằng cách nói rõ sự lo lắng, hay hỏi han thêm về công việc, bạn có thể được mọi người đáp lại. Đôi lúc còn có thêm cơ hội để hiểu đối phương nhiều hơn.
Đương nhiên, ai cũng muốn thể hiện mình là người hoàn hảo, luôn tốt mọi mặt, đặc biệt là trong công việc. Tuy nhiên, hãy để cho bản thân nghỉ ngơi. Hãy nhớ rằng khi bước vào môi trường công sở, bạn sẽ phải kết nối với nhiều người để đạt hiệu quả công việc cao chứ không phải đang đối diện với người phỏng vấn.
4. Lắng nghe là một kỹ năng tưởng chừng như đơn giản nhưng không nên bỏ qua
Trải qua các bước trên, bạn hẳn đã trở thành một đồng nghiệp, nhân viên khá ổn, nhưng đừng để mắc sai lầm khi không chịu lắng nghe rõ ràng lời của đối phương.
Nhiều người có EQ, IQ cao thường thông qua phân tích hành động, ngôn ngữ hình thể để suy nghĩ, tiếp nhận thông tin. Nhưng nếu cho rằng mình quá thông minh mà không chịu lắng nghe kỹ càng lời nói của người khác sẽ khiến cho bạn dễ dàng làm mất lòng, khiến đối phương không còn hào hứng chia sẻ vào lần sau.
Hãy chú ý và phản hồi từng hành động nhỏ trong một cuộc trò chuyện. Phản ứng tích cực với lời nói của cấp trên hay đồng nghiệp bằng những cái gật đầu nhẹ, thay đổi biểu cảm và cười tươi vào lúc thích hợp. Nếu cần, hãy đáp lại lời của người nói, duy trì giao tiếp bằng mắt ở mức độ thích hợp. Đồng thời nếu họ đang đưa ra lời khuyên, hãy cân nhắc để diễn đạt sao cho người đối diện biết rằng bạn đã hiểu ý của họ.
Ngoài những điều này, hãy tập trung vào những điều quản lý hay đồng nghiệp đang chia sẻ, thay vì lo lắng về việc sẽ phản ứng như thế nào thì hãy để ý về những gì họ nói. Hãy nhớ rằng, lắng nghe để hiểu chứ không phải để phản hồi.
5. Tìm thêm chủ đề từ buổi nói chuyện
Bạn cũng có thể tìm thêm chủ đề mới khi đang trong một cuộc trò chuyện. Ví dụ như trong đoạn hội thoại ngắn sau đây:
A: Tôi mới mua một chiếc Subaru (tên hãng ô tô - PV) ngày hôm qua. Giờ việc đi lại tiện lợi hơn nhiều.
B: À, hãng Subaru nghe nói đi cũng ngon lành đó. Anh mua loại nào?
A: Subaru Forester, nó là dòng xe gia đình đi hơi bị ổn áp.
B: Đã vậy ư? Gia đình bạn hiện có bao nhiêu người?
Hãy tìm thêm chủ đề mới từ cuộc hội thoại, như việc người B đáp lại, nương theo thông tin mà người A chia sẻ, và mở rộng chủ đề để có thể tìm hiểu thêm về đối phương. Đây là cách giao tiếp cần thiết khiến bạn có thể kéo dài đoạn hội thoại. Tìm kiếm chủ đề sâu hơn qua mỗi câu nói, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy được điểm chung của cả hai.
6. Hãy luôn là chính mình
Chân thành chính là chìa khóa để xây dựng một mối quan hệ sâu sắc. Nếu bạn đã thử hết tất cả cách kể trên mà vẫn không thành công thì hãy xem xét lại bản thân đã cho đối phương cảm nhận được sự chân thành của mình hay chưa.
Có vô vàn cách để kéo dài cuộc trao đổi với quản lý hay đồng nghiệp, nhưng cách quan trọng nhất là phải "thật", phải là chính mình khi đối diện với người khác. Điều đó sẽ khiến người xung quanh cảm nhận được sự nhiệt tình và thật lòng của bạn, khiến mối quan hệ trong công việc có thể kéo gần nhau hơn.
Nếu hiểu ra và làm được 6 điều trên thì những bữa trưa có sự góp mặt của nhiều người sẽ không còn khiến bạn lo lắng nữa. Hãy thử và mong chờ một mối quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai nhờ vào những bữa trưa vui vẻ cùng đồng nghiệp nhé!