Trên thế giới này, không có quyển sách nào mà không cho ta kiến thức, cũng không có nỗ lực nào là lãng phí.
Bạn tôi Phương Linh đã từng hỏi qua tôi rất nhiều lần về phương diện viết lách.
Sở dĩ Phương Linh muốn học viết lách là bởi vì cuối năm ngoái, sau khi sinh xong đứa con thứ hai thì cô bị mất việc và trở thành người mẹ toàn thời gian. Cô ấy hy vọng tìm được một công việc tự do có thể phát triển trong một thời gian dài, vừa có thể bảo đảm thời gian chăm sóc con cái, vừa có thể duy trì kinh tế độc lập. Nhưng bởi vì bản thân chưa có nền tảng, nên trong lòng cô có chút đắn đo và lo lắng.
Cũng là một người mẹ nên tôi thấu hiểu tâm tư của cô ấy. Tôi chia sẻ với cô ấy rằng, viết lách quan trọng nhất chính là phải viết nhiều, quan sát nhiều, suy nghĩ cân nhắc nhiều. Trường hợp cô muốn học tập có hệ thống, tôi cũng có thể giới thiệu cho cô tham gia khóa học đào tạo chuyên môn.
Điều khiến tôi không thể tin được, trong chưa đầy hai tháng, Phương Linh đã mang đến một tin rất thú vị, đó là bài viết của cô ấy đã được một kênh đài lớn chia sẻ về kinh nghiệm làm cha mẹ lựa chọn.
Tôi xem qua bài viết cô ấy đã gửi, bất luận nội dung hay là văn phong đều vô cùng hoàn thiện, dường như không thể nào nhận ra đây là một tác giả mới tham gia viết lách.
"Khi còn nhỏ tôi rất đam mê việc đọc sách. Trở thành một người mẹ toàn thời gian, tôi cũng luôn duy trì sở thích này. Bởi vậy khi bắt đầu viết, tôi cảm thấy rất dễ dàng dẫn nhập vào. Hồi đó cảm thấy việc đọc sách chỉ đơn thuần là sở thích cá nhân, thật không ngờ rằng đối với việc sáng tác lại có ích lợi lớn như vậy."
Cô ấy còn nói với tôi, cả gia đình cô ấy đều là những người yêu thích sách, đến cả đứa con trai mới học tiểu học cũng là một cậu bé mê sách. Cậu bé tuy tuổi nhỏ nhưng đã đọc được rất nhiều các tác phẩm kinh điển của các tác giả, tiểu thuyết gia nổi tiếng.
Nghe cô ấy nói đến sách với đầy vẻ hào hứng, trong tâm trí tôi chợt hiện lên bốn chữ: "Tích tiểu thành đại". Tích lũy kiến thức dần dần từ việc đọc sách, chúng ta có thể thu được những lợi ích to lớn không ngờ.
"Có công mài sắt, có ngày nên kim". Những cuốn sách mà cô ấy đã đọc qua tưởng chừng như vô dụng, nhưng thật ra đã làm phong phú kiến thức cho cô ấy. Đọc sách đã giúp cô trở thành một tác giả có chiều sâu, văn phong súc tích.
Đọc sách giúp chúng ta sở hữu được một cuộc sống phong phú.
Câu chuyện của Phương Linh làm tôi nhớ đến một người đồng nghiệp cũ tên Dương.
Lúc đó tôi mới vào làm việc ở khoa tổng hợp không lâu. Công việc của tôi thường xuyên cần phải chuẩn bị tài liệu. Nhưng bởi vì kiến thức còn hạn hẹp, tài liệu của tôi dù chuẩn bị kỳ công đến đâu cũng không thể làm cấp trên hài lòng.
Anh Dương vốn là một ngòi bút xuất sắc được đơn vị công nhận. Dưới áp lực công việc lớn, anh vẫn có thể đảm bảo hoàn thành số lượng và chất lượng bài viết phụ trách. Tôi thật lòng ngưỡng mộ anh.
Lúc mới đầu, tôi làm việc siêng năng với hi vọng bắt kịp tiến độ của anh Dương, nhưng nỗ lực một thời gian vẫn không thấy hiệu quả. Tôi cảm thấy chán nản muốn bỏ cuộc, cho rằng mỗi người được trời phú cho những năng lực riêng biệt, và rõ ràng tôi không được hưởng năng khiếu viết lách nhiều như anh. Cho đến một lần nọ, tôi có cơ hội đến nhà anh Dương chơi. Nhìn phòng sách của anh ấy, tôi mới chợt hiểu ra sự khác biệt giữa tôi và anh ấy.
Phòng sách của anh là một gian phòng rất nhỏ, nơi mà anh Dương thường làm việc tại nhà. Xung quanh gian phòng chứa rất nhiều những chiếc kệ nhỏ, trên bày kín đặc sách.
Nhìn thấy bộ dạng ngơ ngẩn của tôi, anh Dương bật cười: "Không phải là em luôn hiếu kỳ làm thế nào mà anh viết được nhiều bài như vậy hay sao? Nay đã biết được đáp án rồi phải không? Đây, đều từ đây mà ra cả.
Anh Dương vừa đưa tay chỉ lên đầu mình, vừa nhìn lướt qua những cuốn sách xung quanh, nói tiếp: " Muốn duy trì việc viết được hiệu quả, cần phải đảm bảo việc trau dồi thêm kiến thức không bị gián đoạn. Từ lúc bắt đầu viết cho đến nay, bất luận là bận thế nào, mỗi ngày anh đều kiên trì dành ra thời gian để đọc sách."
Không bao lâu sau anh Dương đã được đề bạt thăng chức. Những lời anh ấy đã nói cũng khích lệ tôi bắt đầu yêu thích đọc sách.
Câu chuyện của anh đã giúp tôi hiểu rõ một đạo lý: "Học tập là việc cả đời. Khi bạn cảm thấy năng lực của mình không đủ, hoặc là khi cảm thấy còn mơ hồ và quá nhiều điều không biết, việc cần làm là phải bình tâm lại, ngồi xuống và bắt đầu đọc sách để trau dồi thêm kiến thức.
Sau khi bắt đầu nghề viết lách, thỉnh thoảng cũng có vài độc giả hỏi tôi các vấn đề liên quan đến đọc sách. Mỗi lần khuyến khích họ nhất định phải đọc nhiều sách, tôi hầu như đều nhận được câu trả lời giống nhau: "Quá bận rồi, rất khó để tôi kiếm được thời gian rảnh để đọc một quyển sách".
Đây cũng là tâm thái thường thấy hiện nay của rất nhiều người đối với việc đọc sách. Họ cảm thấy việc đọc sách không quá quan trọng, đọc hay không cũng không ảnh hưởng mấy đến cuộc sống của họ.
Nhưng bạn có nhận ra không, những người có suy nghĩ kể trên thường là người nóng nảy, nông nổi. Không đọc sách làm thế giới tâm hồn của họ không được nuôi dưỡng, chẳng trách đời sống của họ dần biến thành một hoang mạc cằn cỗi.
Thực sự là trong những năm gần đây, những người trưởng thành và không ngừng tiến bộ mà tôi đã gặp qua, đều là những người rất hiểu ích lợi của việc đọc sách và có thói quen đọc sách. Phần lớn họ đều có rất nhiều công việc quan trọng, thế nhưng bởi vì họ đủ chững chạc, đủ kiên trì, nên giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, họ vẫn duy trì gìn giữ được trái tim yêu thích đọc sách, dành tình cảm cho sách.
Những quyển sách mà bạn đã từng đọc qua, sẽ giúp bạn mở mang tâm trí, nuôi dưỡng tâm hồn, làm phong phú kiến thức và khí chất. Câu nói đọc sách sẽ thay đổi vận mệnh luôn đúng với bất kì một ai, tại bất kỳ một thời điểm nào.
Nhà văn nổi tiếng Gorky nói rằng: "Tôi càng đọc nhiều sách, càng cảm thấy tôi và thế giới gần nhau hơn. Khi ấy, cuộc sống của tôi càng trở nên tươi sáng và có ý nghĩa hơn.
Đọc sách là khởi đầu cho việc đến với thành công. Mỗi cuốn sách chúng ta từng đọc qua đều ít nhiều giúp chúng ta trở nên tốt hơn.
Trên thế giới này, không có quyển sách nào mà không cho ta kiến thức, cũng không có nỗ lực nào là lãng phí.