Những ngày cuối năm là khoảng thời gian bận rộn nhất khi chúng ta có quá nhiều công việc cần kết thúc trước khi bước sang năm mới. Những dịp nghỉ lễ đan xen cũng khiến chúng ta dễ mất tập trung và cảm thấy khó có tinh thần làm việc. Làm thế nào để xốc lại tinh thần và đón chào một năm mới trong tâm thế làm việc hứng khỏi nhất? Đọc ngay những bí quyết sau đây để nạp tinh thần và khởi đầu một năm mới làm việc thật hứng khởi!
Phá bỏ hiểu lầm thường gặp: Động lực thứ bạn có thể tự tạo nên!
Nhiều người cho rằng động lực là một trạng thái cảm xúc mà bạn nhận được từ bên ngoài, như từ sự cổ vũ của người khác hay từ một nguồn cảm hứng ngẫu nhiên. Do đó, khi rơi vào trạng thái trì trệ, người ta có xu hướng chờ đợi động lực quay lại, hoặc tìm kiếm những sự tác động mà họ cho rằng có thể đem tới động lực.
Thực tế, động lực đơn giản đến từ sự cân nhắc về hậu quả của việc “hành động hay không hành động”. Khi bạn đứng trước quyết định phải bắt tay vào làm một việc nào đó, trong vô thức, bạn đang tự cân nhắc giữa hai lựa chọn: làm hay không làm! Khi hậu quả của việc “không làm” càng lớn, bạn càng cảm thấy có động lực để bắt tay vào làm việc.
Ví dụ, bạn sẽ cảm thấy “không có động lực” để lau dọn nhà cửa cho đến khi căn nhà trở nên quá bề bộn khiến bạn không thể chịu được. Hay có nhiều người có thói quen chỉ bắt tay vào làm việc khi đến gần deadline, bởi đó là lúc tinh thần tập trung của họ lên cao nhất.
Vì thế, khi bạn đang cảm thấy không có động lực để làm việc, hãy ngồi xuống và cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra nếu bạn tiếp tục trì hoãn. Viết ra rõ ràng những vấn đề bạn có thể gặp phải khi không bắt tay vào làm việc, giờ thì bạn đã có động lực để bắt tay vào thực hiện những việc cần làm rồi đó!
Bắt đầu bằng những phần việc nhỏ
Tạo được động lực đã khó, duy trì động lực còn khó hơn! Bạn có thể cảm thấy rất hào hứng khi bắt tay vào làm, nhưng cảm giác uể oải, mất tập trung ập đến nhanh chóng sau vài giờ làm việc. Bạn loay hoay cả ngày và cuối cùng ra về khi vẫn chưa hoàn thành được việc gì.
Điều này là hoàn toàn bình thường, bởi phản ứng tự nhiên của não bộ là tránh khỏi những công việc phức tạp. Do đó, để duy trì động lực, hãy chia nhỏ công việc của mình thành các đầu việc dễ hơn và bắt đầu xử lý từ những phần nhỏ nhất. Sau khi hoàn thành một vài đầu việc, bạn bắt đầu có cảm giác thành tựu và thêm phấn khởi để xử lý những công việc khó nhằn hơn. Việc đặt những công việc dễ lên đầu tiên cũng tạo đà để bạn tiếp tục làm việc. Một khi đã 'set up' cho mình được tâm thế làm việc, cơ thể bạn sẽ tự động chuyển động theo nhịp quay mà không cần tiếp thêm động lực.
Luôn giữ cho cả tâm trí và cơ thể đều vận động
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội tâm lý học Mỹ, những người thường xuyên vận động có thể duy trì sức sáng tạo và tâm thế hứng khởi trong công việc đến 81% thời gian làm việc. Nếu bạn muốn tâm trí mình luôn vận động linh hoạt, hãy bắt đầu từ việc vận động cơ thể. Đứng dậy, đi lại và thư giãn bằng những khoảng nghỉ ngắn giữa các công việc là cách đơn giản nhất giúp bạn duy trì trạng thái giàu năng lượng cả ngày dài.
Vận động thân thể không chỉ giúp bạn duy trì trạng thái tinh thần khi làm việc, mà còn giảm các hormone gây stress - một trong những tác nhân làm bạn cảm thấy xuống tinh thần và mất động lực. Duy trì thói quen vận động mỗi ngày và đảm bảo giấc ngủ đủ là phương pháp đơn giản mà hiệu quả để duy trì động lực lâu dài.
Khi động lực dồi dào, mọi chuyện để trở nên dễ dàng trong mắt bạn. Bạn có thể hoàn thành mọi công việc được giao và dường như không có điều gì có thể cản bước bạn. Nhưng một khi bạn đánh mất động lực, không chỉ hiệu suất làm việc suy giảm mà trạng thái tinh thần của bạn cũng đi xuống.
Điều quan trọng nhất mà bạn nên nhớ rằng: động lực đến từ chính bản thân bạn và sẽ không bao giờ mất đi vĩnh viễn. Do đó, đừng lo lắng nếu bản thân rơi vào trạng thái trì trệ. Thực hành những mẹo nhỏ trên đây và bạn sẽ sớm tìm lại được cảm giác hào hứng, phấn khởi để làm việc hiệu quả mỗi ngày.