Người ta nói rằng trong cuộc sống có hai điều đáng sợ, đó là cái chết và… thuế.
Thật không may, trong thị trường việc làm ngày nay, khi các tập đoàn lớn mua lại những công ty nhỏ hơn theo bản chất chung của kinh doanh, chúng ta có thêm điều đáng sợ thứ ba: bị cho nghỉ việc.
Khi bị cho nghỉ việc, bạn dễ dàng rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, tự trách bản thân; nhưng hãy xem xét kỹ về nguyên nhân: do hiệu suất làm việc của bạn không đạt yêu cầu, hay do nhu cầu hoặc định hướng kinh doanh mới của công ty?
Trong một số trường hợp, có thể tiên đoán được việc “bị cho ra rìa” bằng cách quan sát các dấu hiệu xung quanh, bao gồm cả sự càu nhàu của các nhân viên, cuộc đấu tranh tài chính toàn công ty hoặc phòng ban, và cả tin tức về việc sáp nhập hoặc cắt giảm nhân sự.
Tưởng chừng đã ổn định với công việc đang làm, thì bất chợt bạn trở nên thất nghiệp và quay về vị trí xuất phát ban đầu, phải tìm một công việc mới. Đừng vội nản lòng, bạn vẫn “thu hoạch” được những bài học hữu ích từ toàn bộ trải nghiệm này.
Phải làm gì khi bạn bị công ty cho nghỉ việc?
Bị cho nghỉ việc là một cú sốc lớn, đặc biệt là khi bạn không có sự chuẩn bị tâm lý từ trước. Khi được gọi vào phòng nhân sự và nhận thông báo là công ty không còn cần bạn nữa, bạn sẽ có cảm giác tức giận và cay đắng.
Trừ khi bạn là một nhân viên thời vụ mà sự cho nghỉ việc là một phần tất yếu của quá trình làm việc và bạn đã biết trước sẽ xảy ra.
Xem thêm: Sa thải nhân viên cũng phải có bí quyết: Sai một bước, “xôi hỏng bỏng không”, các startup cần thông thuộc! Lời khuyên đưa ra là bạn hãy cố gắng tỏ ra chuyên nghiệp, điều đầu tiên bạn cần làm là hít thở sâu, bình tĩnh đánh giá tình hình, cố gắng không cho phép cảm xúc làm bạn mù quáng và có khả năng dẫn đến việc bạn bỏ lỡ những thông tin quan trọng.
Những điều cần thực hiện ngay sau khi nghỉ việc
Trước khi bạn rời khỏi công ty, bạn cần xác định bản chất chính xác của sự “ra đi”. Trong một số trường hợp, sự nghỉ việc là vĩnh viễn, đặc biệt là trong tình huống công ty đang trải qua một sự tái cấu trúc lớn, thu hẹp quy mô hoặc bị mua lại bởi một công ty khác.
Mặt khác, đó có thể là một tình huống tạm thời, là một phần trong dòng chảy tự nhiên của ngành công nghiệp, đặc biệt nếu công việc của bạn là thời vụ. Bạn cần phải tìm hiểu bản chất của sự việc một cách rõ ràng, để:
– Giúp xác định cách tốt nhất để giải quyết tình huống này trong hồ sơ xin việc và các cuộc phỏng vấn công việc sắp tới của bạn khi được hỏi điều gì đã xảy ra với công việc gần đây nhất. Điều này cũng cho phép bạn nhận được các khoản trợ cấp thất nghiệp để giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn khi chưa có công việc mới. – Nếu sử dụng thiết bị của công ty (như điện thoại, máy tính xách tay…), hãy đảm bảo bạn tải xuống danh bạ của mình và giữ chúng. Chúng có thể là vô giá cho những nỗ lực kết nối trong tương lai. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là ngay lập tức gửi email cho tất cả các địa chỉ liên lạc và chê bai về những gì đã xảy ra, nhưng đó là một cách tuyệt vời để bắt đầu tìm kiếm công việc mới bằng cách liên hệ với họ và cho họ biết bạn không còn ở công ty và chuyển sang một vị trí mới.
– Yêu cầu khoản tiền lương cuối cùng của bạn trước khi rời công việc. Bây giờ bạn đã thất nghiệp, tiền sẽ trở thành mối quan tâm và phải chờ hai tuần (hoặc hơn) cho khoản lương cuối cùng này.
Trong khi nói chuyện với phòng nhân sự về tiền lương của bạn, hãy chắc chắn rằng bạn cũng xem xét những thứ như lương thôi việc, thời gian nghỉ không lương, tiếp tục các gói bảo hiểm sức khỏe và bất kỳ lợi ích nào mà bạn đã thương lượng trong quá trình tuyển dụng.
Trong một số trường hợp, bạn có thể yêu cầu một lá thư cho nghỉ việc từ nhà tuyển dụng của bạn.
Đây chỉ là một ghi chú ngắn trên tiêu đề thư của công ty nói rằng việc chấm dứt công việc của bạn ở công ty không phải do hiệu suất làm việc của bạn, cũng không phải vì đã có hành vi sai trái.
Bức thư này là “tấm vé vàng” khi xác minh lý do tại sao bạn bị cho nghỉ việc và nên được đính kèm với hồ sơ xin việc ở công ty mới và cũng nên đề cập đến trong các cuộc phỏng vấn tiếp theo.
Cũng cần sắp xếp đính kèm với hồ sơ xin việc những bằng cấp mà bạn đạt được trước và trong thời gian làm việc cho công ty cũ.
Làm thế nào để nhanh chóng tìm được việc làm mới?
Có thể dành một hoặc hai ngày sau khi nghỉ việc để “xả hơi”, thư giãn, chăm sóc bản thân; nhưng tuyệt đối không để bản thân trượt vào những thói quen xấu rồi dẫn đến trầm cảm. Hãy xem việc tìm việc làm mới là công việc của bạn và vấn đề này cần được giải quyết triệt để.
Làm cho mình luôn bận rộn là cách tốt nhất để chống lại sự buồn chán, xuống tinh thần, mất tự tin. Sau đây là chín việc cần thực hiện để nhanh chóng tìm được việc làm mới:
1. Lấy lại tinh thần
Mặc dù bị thất nghiệp là một cú sốc lớn nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời để tìm kiếm một công việc mới thú vị mà bạn đã mơ ước từ lâu. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để suy xét thật kỹ xem công việc vừa từ bỏ là việc làm bạn thật sự yêu thích hay chỉ làm vì tiền lương. Sau đó tự đặt cho mình vài câu hỏi khó trước khi bạn chuyển sang các bước tiếp theo. Bây giờ là thời điểm hoàn hảo để đưa ra quyết định: công việc mới nên là việc yêu thích hay tiếp tục chọn công việc thì tiền lương.
2. Chăm chút cho sơ yếu lý lịch
Hãy dành thời gian để kiểm tra lại độ chính xác của tất cả thông tin trong hồ sơ xin việc, phải chắc rằng đã đưa vào hồ sơ đầy đủ chi tiết của công việc gần đây nhất. Nên dự đoán thời gian kéo dài giữa công việc sau cùng và công việc tiếp theo, bổ sung vào danh sách liệt kê bất kỳ công việc nào bạn đang làm trong thời gian này, bao gồm cả công việc tình nguyện, dự án tạm thời…
3. Tự giới thiệu mình
Lập danh sách các công ty mà bạn muốn làm việc và những công việc mà bạn muốn tập trung vào. Dựa vào danh bạ điện thoại, bắt đầu tìm kiếm bất kỳ liên hệ nào bạn có tại các công ty đó và cho họ biết bạn đang sẵn sàng để làm việc. Theo thống kê, hơn 80% công việc cần tuyển dụng không đăng trên báo mà trên mạng, vì vậy, tự giới thiệu mình là hình thức nhanh nhất dẫn đến một cuộc hẹn phỏng vấn trong tương lai gần.
4. Uống cà phê giải lao
Trong khi liên lạc với những người trong danh sách ở trên, hãy làm nhiều việc hơn là chỉ ghi chú và gọi điện thoại: mời mọi người ra ngoài uống cà phê và ăn trưa. Thông thường, khi làm việc toàn thời gian, bạn có xu hướng cô lập bản thân và hướng nội. Hãy dành thời gian trong giai đoạn nghỉ việc để tiếp cận và mở rộng các mối quan hệ. Bạn không bao giờ biết được ai sẽ là người cho bạn cơ hội.
5. Quay lại vấn đề cơ bản
Đừng quên thực hiện các cách tìm kiếm việc làm truyền thống như cập nhật thông tin cá nhân của bạn trên các trang web tìm việc, bao gồm cả LinkedIn, Glassdoor… và tất nhiên trên cả trang cá nhân của bạn. Bạn nên xem kỹ mục tuyển dụng trên các trang web để tìm vị trí phù hợp với trình độ và kỹ năng của bạn. Bây giờ cũng là thời điểm tốt để “nghiên cứu” các cơ hội mới, đặc biệt nếu bạn đang muốn thay đổi nghề nghiệp.
6. Ứng tuyển
Điền thông tin và bắt đầu gửi hồ sơ xin việc của bạn cho các công ty mà bạn quan tâm. Nên tập trung vào từng công ty riêng lẻ để tăng tỷ lệ cho cuộc hẹn phỏng vấn trong tương lai.
7. Giữ thái độ chuyên nghiệp
Khi gặp gỡ, tiếp xúc với người quản lý tuyển dụng (người đang xem xét có thể nhận bạn vào công ty của họ), được hỏi về lý do bạn rời công ty cũ, thường thì cảm giác tức giận, khó chịu sẽ lại trỗi dậy. Lúc này, cần giữ thái độ chuyên nghiệp, kềm chế cảm xúc, tránh việc kể lể dài dòng; luôn thể hiện thái độ lạc quan và tích cực với công việc mới.
8. Giữ vững tinh thần
Được nhận vào làm trong một công ty mới có thể không diễn ra nhanh như bạn mong muốn, vì vậy cần giữ vững tinh thần, không được nản lòng; tránh những suy nghĩ bi quan, dễ dẫn đến nhụt chí, thậm chí là rơi vào trầm cảm. Dành thời gian vài tuần một lần để đánh giá lại bản thân: Mình đang ở đâu và đang làm gì để tiếp tục tiến về phía trước? Liệu rằng có bất kỳ sự thay đổi nào mình có thể thực hiện để tăng cơ hội tìm được việc làm mới? Mình có thể mở rộng phạm vi tìm việc làm không?
9. Làm việc bán thời gian
Bạn có thể xin làm việc theo ca ở một doanh nghiệp địa phương hoặc một quán cà phê nào đó là cách tốt để luôn bận rộn mà không ảnh hưởng đến thời gian tìm kiếm việc làm của bạn, ngoài ra còn được tăng thêm thu nhập. Tất nhiên, vẫn tiếp tục tìm kiếm công việc toàn thời gian mà bạn mong muốn, vì vậy hãy đảm bảo rằng công việc bán thời gian của bạn vẫn là bán thời gian, trừ khi bạn đột nhiên phát hiện ra niềm đam mê mới của mình và quyết định chuyển nó thành toàn thời gian. Nếu trường hợp đó xảy ra thì thật là may mắn!